Print this page

Lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha

Lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha


Chúa Giêsu dạy các Môn đệ Kinh Lạy Cha khi cầu nguyện.
Kinh này có tám phần trong đó có bảy lời cầu xin. (Mt 6, 9-13. Lc 11, 2-4)

1. Lạy Cha chúng con ở trên trời
2. Xin cho danh Cha cả sáng
3. Xin cho Nước Cha trị đến
4. Xin ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
5. Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày
6. Xin tha nợ chúng con…
7. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ - Et ne inducas in temptationem
8. Nhưng xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Lời cầu xin thứ 7.: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…Et ne inducas in temptationem đang dấy lên làn sóng tranh biện phân tích về ngôn từ dịch thuật cùng ý nghĩa hàm chứa trong đó.

Lý do dấy lên tranh biện

- Hội đồng Giám mục nước Pháp sửa lời cầu xin

Các vị giám mục Pháp đã quyết định kể từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng (03/12/2017), kinh Lạy Cha sẽ được sửa lại một chữ theo đúng bản gốc tiếng Hy Lạp, vì Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng bắt đầu năm phụng vụ. Theo ý kiến của Hội đồng các Hội thánh Kitô giáo tại Pháp, viết tắt CÉCEF, kinh Lạy Cha cần có một bản dịch đại kết chung cho các Hội thánh Kitô giáo trên nước Pháp, theo tinh thần hiệp nhất (Ga 17,21).

Câu ‘‘Ne nous soumets pas à la tentation’’ từ ngày 03/12/2017 sẽ được đổi lại là ‘‘Ne nous laisse pas entrer en tentation’’, theo bản gốc tiếng hy lạp : Καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν (Mt 6,13 và Lc 11,4).(Lê đình Thông, bản tin Vietcatholic ngày 08.11.2017)

- Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng muốn sửa như thế.

Trả lời cuộc phỏng vấn vào hôm Thứ Tư 6 tháng 12 năm 2017, một giới chức cao cấp của Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng muốn chỉnh sửa một vài từ trong kinh Lậy Cha mà bản Anh ngữ dịch là “lead us not into temptation,” chúng tôi dịch sát nguyên văn là “đừng đưa dắt chúng tôi vào cơn cám dỗ”. Theo giới chức Tòa Thánh câu trên rất dễ làm cho người ta hiểu lầm là Chúa dắt người ta phạm tội (it too strongly suggested that God leads people to sin)

Trong một chương trình truyền hình Công Giáo TV 2000 của Italia, Đức Giáo Hoàng nói dịch như trên “lead us not into temptation” không phải là dịch đúng và thay vào đó Ngài đề nghị dùng “do not let us fall into temptation” nghiã là “đừng để chúng tôi rơi vào chước cám dỗ."

Ngài giải thích thêm “Chính tôi, con người sa vào chước cám dỗ chứ không phải Chúa đẩy con người vào chước cám dỗ.

ĐGH cũng cho biết Giáo Hội Công Giáo Pháp đã sửa đổi và nay đang áp dụng câu “do not let us fall into temptation”. Ngài cũng khuyến cáo các giáo hội khác trên thế giới nên theo cách dịch của người Pháp.“ (Nguyễn Long Thao, Vietcatholic ngày 08.12.2017)

- Bản kinh bằng tiếng Việt Nam

Bản dịch Kinh lạy Cha bằng tiếng Việt Nam đã có từ lâu , trong đó lời cầu xin thứ 7. dịch: „Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ“ đúng với bản văn Kinh Thánh.

- Bản văn bằng tiếng Đức: "Und führe uns nicht in Versuchung"- tạm dịch: Và xin đừng dẫn chúng con sa vào cám dỗ! - Bản dịch này có từ 1971 được đúc kết do hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành cùng làm việc dịch chung.

Giám mục Peter Kohlgraf, Giáo phận Mainz, cho rằng bản dịch tiếng Đức như thế này phù hợp đúng với bản gốc Kinh thánh bằng tiếng Hylạp trong phúc âm theo Thánh Mattheo và Thánh Luca. Và Ông còn suy nghĩ tiếp: Khi chúng ta cầu xin, chớ gì xin Ngài đừng dẫn đưa chúng ta sa vào cám dỗ không phải vì những cám dỗ nhỏ, nhưng nói lên hoàn cảnh của một quyết định căn bản theo Chúa hay không theo Chúa. Nên tiếp tục giữ bản dịch như thế để cầu nguyện.

Hồng Y R. Marx, Chủ tịch hội đồng Giám Mục Giáo hội Công Giáo nước Đức bày tỏ quan điểm: Tôi thấy không cần thiết phải thay đổi lời cầu xin như bản dịch bằng tiếng Đức đang có „Und Führe uns nicht in Versuchung“. Và tôi nghĩ phần lớn các vị Giám mục khác nơi đây cũng đồng nghĩ như vậy. Và còn nhấn mạnh rằng Kinh Lạy Cha là chương trình cầu nguyện tối thiểu hằng ngày của người tín hữu Kitô giáo.

Giám mục Ackermann, Giáo phận Trier, Chủ tịch Ủy ban Phụng Vụ của Hội Đồng Giám mục Đức cũng lên tiếng giữ nguyên bản dịch đang hiện hành. Vì bản dịch phù hợp với bản gốc tiếng Hylạp. Ông nhấn mạnh „Khỏanh khắc của cám dỗ thử thách trong hiện tại giúp mối tương quan liên lạc với Thiên Chúa được đào sâu sa thêm ra, và giúp đức tin trở nên chín mùi trưởng thành. Vị Giám mục phụ trách Phụng vụ nghĩ rằng Đức Giáo hoàng Phanxico sẽ không nói là bản dịch bằng tiếng Đức như thế không được chấp nhận cho tồn tại!“ (kath.net 16.12.2017).

Nhiều học giả Kinh Thánh lẫn thần học phía nói tiếng Đức cũng đồng quan điểm giữ nguyên bản dịch đang có, chứ không dịch đổi như bên tiếng Pháp hay như Đức Giáo Hoàng Phanxico mong muốn.

Bỏ qua khía cạnh ngôn ngữ nơi các bản dịch, ở đây còn ẩn chứa khía cạnh căn bản của thần học nữa: hình ảnh Thiên Chúa và giáo lý Kitô học.

Ý nghĩa của thử thách, của cám dỗ

Con người chúng ta nào ai muốn sa vào cơn cám dỗ hay bị thử thách đâu. Nhưng ngay từ nguyên thủy, dù Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, đã cảnh báo nói trước rõ ràng, thế mà Ông Bà nguyên tổ Adong Evà cũng sa vào cơn cám dỗ của ma qủi ăn trái cây Chúa cấm. Ông Bà vì thế đã không vượt qua được thử thách, để chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa, Đấng tạo Hóa. Và hậu qủa là tội lỗi đã đi vào trong trần gian, lưu truyền cho mọi thế hệ con người.

Kinh Thánh thuật lại truyện Ông Gíop bị ma qủi cám dỗ thử thách phải chịu nhiều đau khổ bệnh tật thân xác, mất hết của cải đức tin lòng trung thành của Ông vào Thiên Chúa. Nhưng Ông vẫn giữ trung thành với Thiên Chúa.

Lời kêu khấn hay đúng hơn lời tuyên xưng đức tin thời danh của Ông là căn bản đời sống con người trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói:

"Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,

tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.

ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi:

xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!„ (Sách Gióp 1,20-21)
 
„Sự đau khổ của Ông Gíóp là lời chứng biện minh cho con người. Ông đã kinh qua đau khổ thử thách giữ vững đức tin, vì thế vinh dự của con người được vinh danh trở lại…“

Sách truyện Ông Gíop có thể giúp ta nhận rõ ra giữa thử thách và cám dỗ.

Để trở nên trưởng thành vững chãi, nhất là lòng đạo đức sâu thẳm vào Thiên Chúa cùng tìm nhận ra ý Chúa muốn, con người cần có thử thách. Như nước của trái nho phải lên men mới có thể trở thành rượu ngon qúi gía. Cũng vậy con người cần phải được thanh luyện, biến đổi. Có khi những điều đó có phần nguy hiểm, cùng có thể làm sa ngã, nhưng dẫu vậy nó giúp ta tìm về chính mình và tìm đến Chúa.

Tình yêu luôn luôn là một cuộc thanh luyện, từ bỏ, dẫn đến thay đổi đau đớn của chính bản thân ta và là con đường chín mùi trưởng thành.

Thánh Phanxico Xaviê đã cầu nguyện cùng Chúa: „Lạy Chúa con yêu mến Chúa, không phải vì thiên đàng hay hỏa ngục, nhưng vì Chúa. Lạy Chúa là vua của con, là Thiên Chúa của con.“ (Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth I., Herder 2007, Chương 5, tr. 197).

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trước khi ra đi rao giảng nước Thiên Chúa, đã vào sống trong sa mạc và để chịu thử thách bị ma qủi cám dỗ. Như thế ma qủi là nguyên do, hay là người bày ra cám dỗ, thử thách, chứ không phải Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chịu để bị cám dỗ trải qua những thử thách, và người đã chống trả lại chúng. Và như thế có thể nói được rằng: Lửa thử vàng, gian nan thử đức! Kinh qua thử thách, Chúa Giêsu đã được rèn luyện cùng minh chứng lòng trung thành với sứ mạng Thiên Chúa Cha trao cho ngài đến trong trần gian mang ơn cứu chuộc cho con người khỏi hình phạt tội lỗi.

Và Kinh Thánh còn nói về cuộc đời vị Thượng Tế Giêsu đã trải qua những cám dỗ đau khổ thử thách . Chính những kinh nghiệm trải qua đó đã giúp Ngài sống cảm thông với thân phận con người phàm trần chúng ta.

„Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.“ (Thư Do Thái 4,15).

Các Vị Tu Sỹ sống đời nhiệm nhặt khổ tu thời xa xưa đã nhìn ra giá trị tích cực nơi cám dỗ, như sự thử thách giúp con người trưởng thành đứng vững. Gió bão thổi đến bắt cây cối phải bén đâm mọc rễ càng sâu xuống lòng đất, để có thể đứng vững không bị ngả nghiêng gẫy đổ bật gốc trước gió bão. Cũng vậy cơn cám dỗ nhắc người Tu Sỹ tỉnh thức phải dùng sức mạnh thiêng liêng cùng tự nhiên chiến đấu chống trả lại, để đạt tới sự tốt lành thánh thiện.

Ai dẫn vào thử thách cám dỗ?

Thánh Giacobê đã xác định: Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai“ (Thư Giacobe, 1,13)

Là con người khi bị vướng mắc vào cám dỗ thử thách, hầu như ai cũng hoài nghi hoang mang. Nhưng trong những hoàn cảnh đó, con người chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa không bỏ rơi hay quên chúng ta, như lời Thánh Phaolo viết lại với lòng xác tín:

„Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.“ (1 cor. 10,13)


Tâm tình lời cầu xin

Với lời cầu xin : Xin đừng dẫn chúng con sa chước cám dỗ! trong kinh Lạy Cha, chúng ta muốn nói cùng Thiên Chúa: „Lạy Chúa, con biết rằng, đời sống con cần những thử thách, để con được nên thanh sạch. Nhưng khi những thử thách Chúa gửi đến cho con, như nơi Ông gióp, Chúa để cho sự dữ, sự xấu một khoảng không gian tự do. Con xin Chúa nhớ đến sức lực giới hạn của con. Con không dám tin vào con qúa nhiều đâu. Xin đừng để vòng biên giới xa rộng, và xin bàn tay phù hộ che chở của Chúa ở gần bên con, nhất là khi cám dỗ thử thách qúa nhiều xảy đến cho con“

Cũng trong ý nghĩa đó Thánh Cypriano đã có suy tư về lời cầu xin: Khi chúng ta cầu xin “xin đừng để chúng con sa vào cơn cám dỗ„ là chúng ta muốn nói lên sự hiểu biết nhận thức „kẻ thù địch ma qủi không có gì có thể chống lại chúng ta, nếu trước đó nó đã không được phép, để đến nỗi sự sợ hãi, sự hy sinh và sự tỉnh thức của chúng ta quy hướng về Thiên Chúa, vì không có gì đã cho phép sự dữ, nếu nó không được ủy ban cho quyền hành làm.

Và Thánh Cypriano còn suy tư theo khía cạnh tâm lý, tại sao Thiên Chúa để cho sự dữ sự cám dỗ một quyền hành giới hạn. Điều này có thể xảy ra để chúng ta ăn năn thống hối, để ngăn chặn hãm lại lòng kiêu hãnh tự cao tự đại của con người chúng ta. Và như thế chúng ta cảm nghiệm nhận thức ra được sự nghèo nàn của đức tin, của niềm hy vọng cậy trông và của tình yêu thương chúng ta.“ (Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth I. , Herder 2007, Chương 5, trang 198).

‘’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’
Ngôn ngữ trong lời cầu xin thể hiện ra bên ngoài tâm tình của trái tim tâm hồn người cầu nguyện.

Nhưng có khi ngôn ngữ nói ra diễn tả sai lệch hay không đúng hẳn như mong muốn, nhất là với dạng phân tích chiết tự của khoa (học) ngôn ngữ, hay cả với khoa thần học triết lý suy tư nữa.

Vì thế, con người vào mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh muốn cùng cố gắng trong giới hạn của mình, hay do điều kiện thúc đẩy điều chỉnh sửa đổi lại ngôn từ dịch thuật trong kinh nguyện cho phù hợp không chỉ với bản văn gốc Kinh Thánh, nhưng còn với văn hóa, với ý nghĩa đạo đức thần học nữa.

Lời cầu xin số 7. trong Kinh Lạy Cha là một trong những trường hợp như thế.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Read 2737 times

Last modified on Sonntag, 17/12/2017