Hồi ký Tết Mậu Thân ở Huế: “Tấn Công Bất Ngờ”

Hồi ký Tết Mậu Thân ở Huế: “Tấn Công Bất Ngờ”

Trước khi bắt đầu niên khóa 1967-68, tôi dọn về ở số 11 đường Phạm Hồng Thái, Huế. Nhà nầy gần ngã tư Nguyễn Tri Phương và Phạm Hồng Thái.

Trước mặt nhà tôi là doanh trại của đại đội Cảnh Sát Dã Chiến (CSDC) thuộc Ty Cảnh Sát Thừa Thiên – Huế. Toàn bộ khu vực nầy, từ phía trước nhà tôi đến đường Duy Tân (đường từ đầu cầu Trường Tiền về An-Cựu), phía trước trường trung học Nguyễn Tri Phương, phía tòa Khâm Sứ cũ sát bờ sông, là khu quân sự gồm khách sạn Thuận Hóa, tức MAC-V, “Bản doanh Phan Sào Nam” tức Tiểu Khu Thừa Thiên- Huế, Ty Cảnh Sát Thừa Thiên – Huế.

Khoảng một năm nay, đây là mục tiêu pháo kích của Việt Cộng. Có điều đáng nói là Việt Cộng pháo kích trúng mục tiêu thì ít mà trật ra ngoài thì nhiều. Đã có vài nhà dân trúng đạn, có người chết, bị thương. Vì vậy, khi thấy tôi dọn về đây, vài người bạn đến chơi, cằn nhằn: “Dọn về đây chi cho nguy hiểm.” Tôi nói đùa: “Khi nào nghe pháo kích khách sạn Thuận Hóa thì tới đưa tao đi nhà thương.”

Đêm mồng một tết Mậu Thân, tức là đêm 30 tháng 1 năm 1968, Việt Cộng pháo kích trật mục tiêu thật, và trúng ngay nhà tôi.

Tôi đang ngủ với đứa con gái lớn, 6 tuổi, thì giật mình vì những tiếng nổ lớn, hơi xa xa và nghe tiếng đạn đi. Trong phút chốc, tôi nghĩ: “Chết cha! Đạn đang tới ngay mình”. Tôi từng chạy tản cư năm 1946-47, có ít nhiều kinh nghiệm về súng đạn, mặc dù hồi ấy tôi mới 10 tuổi. Hễ đạn “cà-nông”, nghe tiếng đạn đi thì yên tâm. Đạn sẽ nổ ở xa. Còn tiếng đạn súng cối réo bên tai là nổ ngay chính chỗ của mình.

Và rồi viên đạn nổ ngay phía ngoài bức tường gạch dưới chân giường tôi. Tiếng nổ làm rung chuyển cả ngôi nhà. Nhà lợp ngói liệt nên khi ngói vỡ, cát từ trên mái tuôn xuống rào rào. Cửa trước bị giựt tung ra, thấy rõ bên ngoài. Ngoài đó đạn vẫn tiếp tục nổ ở sân trước, ngoài đường lộ, chớp sáng lóe lên, cảnh tượng ngoài ấy trông rõ lắm nhưng tắt đi rất nhanh. Điện bị cắt.

Tôi ngồi dậy, tung chăn. Đứa con gái tôi cũng dậy. Tôi nói với con: “Con vô hầm đi.”

Vì vùng nầy, như đã nói, thường bị pháo kích nên tôi có làm một cái hầm bằng bao cát ở căn phòng trống giữa phòng khách và nhà bếp.

Con tôi chạy đi. Tôi đi qua phía giường vợ tôi, đặt ở phía sau cái tủ đựng áo quần, tủ có kính soi. Tôi nghe có tiếng vợ tôi kêu cứu hơi xa xa, mơ hồ, có lẽ do cát đổ xuống phủ đầy chăn đắp. Thêm nữa, cái tủ đựng áo quần bị hất tung lên, đè lên vợ tôi, lúc ấy đang có bầu khoảng tám tháng, cùng đứa con gái thứ nhì và đứa con trai xuống dưới.

Không hiểu sao lúc đó tôi mạnh lắm. Nhờ ánh sáng đạn pháo kích đang nổ nên thấy rõ cảnh vật, tôi cần hai cái chân tủ hất sang một bên, kéo chăn và kéo vợ cùng hai đứa con ra. Chợt ngó lại, tôi thấy đứa con gái đầu thay vì chạy vào hầm, lại đang đứng sát bên chân tôi. Tôi hỏi: “Răng không vô hầm đi?” Con bé trả lời, khá rõ: “Con xệ (sợ) lắm!”

Vừa khi ấy thì ba đứa ở: Con Thơ lớn nhứt, đã 20 tuổi. Hai đứa kia nhỏ hơn, một đứa tên Lụt, em ruột con Thơ và con Nguyệt, nhỏ nhứt, ngủ dưới nhà bếp, chạy lên.

Con Thơ nói: “Con vô hầm rồi, không chộ (thấy) cậu mợ nên chạy ra ni.” Tôi bảo con Thơ dắt mấy đứa nhỏ vào hầm, tôi dẫn vợ tôi chạy theo.

Suốt trong thời gian ấy đạn pháo kích vẫn nổ ở sân trước và sân bên hông nhà, không trúng nhà tôi nữa. Vậy mà cả gia đình nhỏ của tôi không ai hề hấn gì, ngồi chen chúc trong cái hầm chật. Tôi ngồi phía ngoài, ngay cửa hầm.

Thằng con trai của tôi vẫn cứ khóc lè nhè từ nãy đến giờ. Tôi cứ ngỡ nó đau chân nên khóc.

Thằng bé mới hai tuổi, dễ thương và rất đẹp trai. Trước Tết mấy hôm, anh Ky, người cháu của vợ tôi, đang học y khoa ở Huế, đến chơi, thấy thằng bé kháu quá bèn bỏ nó lên xe vélo chở đi lòng vòng. Được một lúc thì thằng bé thọc chân vô căm xe, sưng vù, tôi phải đem đi bệnh viện bó bột và chích thuốc. Từ bữa đó đến giờ, vì cái chân bột nên thằng bé hay khóc. Không ngờ một lúc sau, vợ tôi nói: “Anh! Thằng cu Bảo bị thương, máu chảy sau đầu.” Con Thơ thường nhóm bếp nên bao giờ cũng thủ sẵn một cái bật lửa trong túi, lấy ra bật lên cho vợ tôi xem chỗ thằng bé bị thương. Xong, vợ tôi nói: “Rách một đường sau đầu, hết ra máu rồi, chắc không can chi!”

Nghe vợ giải thích, tôi yên tâm.

Bây giờ thì hết pháo kích nhưng đạn súng nhỏ nổ rền trời như người ta đang đốt pháo vậy. Tiếng đạn nổ lốp bốp nghe lạ tai, không phải thứ đạn như Garant M-1 mà tôi có bắn thực tập hồi còn học Cao Đẳng Quân Sự. Thỉnh thoảng, tiếng lựu đạn nổ chen vào như người ta đốt pháo giây có kèm theo pháo tống vậy. Lựu đạn nổ gần lắm, ngay phía ngoài cửa trước nhà tôi.

Nhờ cái hầm nằm ở căn phòng chếch qua một bên phòng khách nên không can gì, chỉ mỗi khi lựu đạn nổ thì cái hầm nhỏ của tôi rung rinh dữ dội. Sáng ra, tôi mới biết là Việt Cộng núp trong sân nhà tôi, tấn công vào cái “lô-cốt” (blockhaus) của Cảnh Sát Dã Chiến bên kia đường. CSDC phản công, bắn M-79 vào ngay sân nhà tôi mới ra cớ sự như vậy.

Súng nổ ran từng chặp rồi nghỉ khoảng nửa tiếng. Nửa giờ sau, có ba phát súng lệnh, súng đạn lại nổ rền, đợt tấn công mới lại bắt đầu. Lựu đạn của CSDC lại bắn vào sân nhà tôi.

Sau khoảng vài ba đợt tấn công thì có tiếng tù và thổi.

Con Thơ nói: – “Rứa là họ rút lui đó cậu mợ.”
– “Răng mi biết?” Tôi hỏi.
Con Thơ giải thích: – “Dưới làng con đánh dau (nhau), khi mô (nào) thổi tù và hay thổi còi là họ rút lui.”
Quả thật Việt Cộng rút. Trời sáng dần, mờ mờ.'
Tôi bỗng nghe có tiếng người la to phía sân trước, hướng về phía trại CSDC: – “Đừng bắn nữa nhé! Đừng bắn nữa nhé, tôi ra hàng nhé!”
Có tiếng mấy người lính CSDC bên kia đường la to, đáp lại: – “Bỏ súng xuống! Bỏ súng xuống.”

Tôi cố lắng nghe tiếng người ra hàng để biết họ là người xứ nào. Đây là tiếng Bắc, không rõ tỉnh nào, nhưng ít ra cũng từ Thanh Hóa đổ ra. Sở dĩ tôi chú ý việc nầy vì năm ngoái, quân Việt Cộng tấn công vào thị xã Quảng Trị, thất bại, họ rút lui. Con đường tiến vào và rút lui là con đường hẽm phía sau nhà tôi. Ông anh tôi sợ Việt Cộng leo lên núp trên mái nhà, nghe họ vừa di chuyện vừa nói với nhau.

Tôi hỏi:

– “Họ nói giọng gì?”

Anh tôi cười, trả lời:

– “Bùi Xuân Lục.”

Bùi Xuân Lục là tên một người rể của dì tôi, quê ở Hà Tĩnh. Bà con bên ngoại tôi thường nhái giọng Hà Tĩnh để ghẹo anh ấy chơi. Tiếng Quảng Trị không nhẹ gì nhưng so với giọng Hà Tĩnh cũng còn đỡ hơn nhiều.

Thấy dứt tiếng súng, vợ chồng con cái chúng tôi ra khỏi hầm.

Việc trước tiên là vợ tôi ra tủ đựng bông băng lấy nước rửa vết thương cho con, xức thuốc và dán băng keo vào đó. Con Thơ xuống bếp, chuẩn bị nấu ăn.

Nó hỏi vợ tôi: “Nước máy không có, nước trong lu dớp (nhớp) lắm. Không có nước a mợ!”

Tôi đi xuống bếp, xem lại lu nước. Cát ngói từ trên mái nhà đổ vào lu. Tôi nói: “Gạn nước nầy mà nấu, đừng đi ra ngoài đường nghe không!” Con Thơ nghe lời tôi, gạn nước nấu cơm.

Trong khi đó thì vợ tôi lo dọn dẹp nhà cửa. Vì đêm qua đạn nổ, rung rinh căn nhà, nên chén bát, quần áo đổ nhào xuống nền nhà, cái bể, cái dơ, phải gom hết lại. Mấy cái mền (chăn) đắp tối hôm qua phải rủ bụi sạch để dùng lại, chưa giặt được. Cái chăn tôi đắp chung với con gái đầu thủng một lổ ở giữa. Mãnh đạn đi vào giữa hai cha con, không đụng nhằm ai cả.

Vợ tôi mừng nói:

– “Hú vía anh ơi! Mãnh đạn chui vô giữa mền mà không ai bị thương.”

Cái tủ áo quần có tấm gương soi, thì tấm gương bị bể nát. Có lẽ một miếng kính vỡ bay ra đụng nhằm thằng bé nên nó bị cắt một đường phía sau đầu. Cũng may, vết cắt không sâu.

Được một lúc, ông Hà Nguyên Chi, Phó Ty Cảnh Sát, nhà phía bên kia ngã tư, mang súng đi bộ qua nhà tôi.

Ông ta hỏi:

– “Khi hôm nghe bên ni súng nổ dữ lắm. Có ai can chi không?”

Tôi cám ơn và trả lời không ai việc gì cả. Trước khi ra về, ông ta còn dặn:

– “Đừng ra ngoài đường, Việt Cộng còn ở trên lầu trường Nguyễn Tri Phương.”

Một lúc, vợ tôi có việc gì đó, đi ra cái sân bên hông nhà. Khi vào nhà, vợ tôi nói:

– “Có miếng thịt mắc nơi cây bông hường.”

– “To hay nhỏ?” Tôi hỏi.

– “Cỡ hai chục đồng.” Vốn thực tế, vợ tôi nói.

Tôi thấy cũng buồn cười nhưng không nói gì. Thịt người chớ có phải thịt heo, bò ở chợ đâu mà ví như thế.

Hôm đó, tôi hơi buồn, cứ thắc mắc: “Mình bị pháo kích như thế nầy mà chẳng thấy anh bạn nào đến thăm cả. Ngoài đường có tiếng người lao xao một lúc, không biết người ta chạy loạn hay bọn trẻ tò mò đạp xe chạy quanh quan sát chơi.

Buổi chiều 30 tết, tôi tổ chức ăn tất niên tại nhà.

Trước đó một tuần lễ, một anh học trò nhà ở Vĩ Dạ, nói với tôi:

– “Năm ni ba em hạ một con bò thui. Thầy muốn mua thì em đem lên nhà cho thầy.”

Có bò thui và biết rằng sẽ được thịt ngon, tôi hỏi vợ tôi rồi mua mấy ký, tổ chức ăn tết với bạn bè. Trong các bạn tôi mời, có anh Hoàng Văn Xướng, bạn đồng nhiệp nhưng tôi kính mến như một người anh, tôi mời cả hai vợ chồng ông nầy. Vợ chồng anh bạn nối khố từ khi mới lên trung học: Lê Trọng Ấn, hiện làm hiệu trưởng trường trung học Tây Lộc, một bà trung tá, chồng đang du học ở Mỹ, bạn của vợ tôi, và anh Đoàn Công Lập, trưởng ty Cảnh Sát, quen thân vợ chồng tôi.

Tối hôm đó, anh Lập đến trễ lắm. Tôi đã tính không chờ nhưng các bạn biểu rán một chút. Ông trưởng ty mà ăn sau thì cũng kỳ!

Anh Lập tới thì vào bàn ngay. Trước khi cầm đũa, anh ấy xin lỗi đến trễ vì họp với bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 lâu quá – do đại tá Ngô quang Trưởng chủ tọa – Lúc ấy tướng Trưởng còn mang loon đại tá.

Anh Lập cũng cho biết là có tin Việt Cộng sẽ tấn công, không rõ mục tiêu ở đâu. Nghe vậy thì cũng hay vậy, không ai ngờ tối hôm sau, mồng một tết, Việt Cộng tấn công vào Huế.

Ngay khi anh Lập nói chuyện đó thì Việt Cộng cũng đã đột nhập vào thành phố đông lắm rồi. Vậy mà không ai biết cả hay sao?! Đánh giặc gì mà kỳ cục vậy. Tình báo ở đâu?!

Mới tiệc tùng vui vẻ đó mà bây giờ chẳng thấy ai, tôi nghĩ vậy và cũng hơi buồn.

&

Tối hôm đó, mới tối chúng tôi đã vào hầm, không dám ngủ ở bên ngoài. Trời sập tối một lúc lâu thì lại nghe ba phát súng lệnh, súng nhỏ và lựu đạn nổ rền trời. Khoảng một giờ đồng hồ thì dứt tiếng súng. Rồi lại có ba phát súng lệnh, mở đầu đợt tấn công mới.

Lần nầy vì Việt Cộng tấn công từ đầu hôm, không bắt đầu lúc quá nửa khuya như tối hôm trước, trận đánh kéo dài quá nên tôi lo lắng và thấy bực bội lắm. Suốt đêm ngồi bó rọ trong hầm như thế nầy lại súng đạn rền trời thì chịu đời sao thấu.

Tối nay lại có tiếng máy bay bay phía trên và có tiếng súng từ trên máy bay bắn xuống. Đó là loại máy bay Hỏa Long. Máy bay Hỏa Long bắn suốt đêm cho tới sáng bạch, ngay trên lầu trường trung học Nguyễn Tri Phương.

Cứ sau đêm tấn công, ban ngày Việt Cộng rút về ẩn núp ở đây. Súng Hỏa Long sáu nòng, bắn dữ dội nên trường Nguyễn Tri Phương bị trốc hết mái.

Cũng gần tới sáng, lại có tiếng tù và thổi như đêm trước, tôi thấy khỏe, yên lòng một chút.

Trời sáng, chúng tôi lại chui ra khỏi hầm, dọn dẹp nhà cửa.

Đêm nay, Việt Cộng không núp trong nhà tôi mà sát ngoài hàng rào phía trước, cách nhà khá xa nên chúng tôi khỏi lâm vào cảnh bị lựu đạn nổ như đêm trước, không còn pháo kích nên nhà cửa cũng không bị hư hại gì thêm.

Tôi nói với vợ tôi:

– “Mình chạy lánh nạn chỗ khác đi. Đêm nào cũng đánh nhau vậy, chịu không thấu đâu!”

Nghe lời tôi, vợ tôi chuẩn bị chạy giặc. Nửa giờ sau, chúng tôi bồng bế nhau ra khỏi nhà.

Tôi cõng bé Diễm, 4 tuổi, đứa con gái thứ ba (Kể theo trong Nam) trên lưng, tay dắt đứa thứ hai, chị cả. Vợ tôi có bầu, bụng đã to nhưng tay cũng bế thằng con trai. Con Thơ gánh một gánh đồ ăn đem theo, phòng bị đói. Hai con nhỏ kia, mỗi đứa một ôm mền mùng và quần áo cho cả gia đình.

Ra tới sân, thấy cảnh tượng ở đó, vợ tôi níu lấy tôi, không chịu đi, rên rỉ: “Ghê quá anh ơi!” Tôi nói với vợ: “Gắng lên, qua khỏi đây là hết. Không can chi!” Tôi nắm tay vợ, trong khi tay kia đã nắm đứa con nhỏ, cùng đi nhanh.

Trong sân, ngay gốc dừa là xác một chiến binh Việt Cộng, mặc quần áo bà ba đen, không có áo ấm, áo mưa gì hết. Tôi cũng không để ý có súng hay không. Phía ngoài cổng, sát hàng rào là ba xác chết khác, cũng nằm co quắp, ngoài bộ bà ba đen, không có áo ấm, áo mưa gì cả.

Tôi thắc mắc: Bộ đánh giặc nóng lắm hay sao mà không ai mặc áo ấm cả vậy trời. Hay họ không có áo ấm để mặc. Tôi nhớ năm 1947, hồi mới chạy tản cư, thỉnh thoảng, tôi có thấy Vệ Quốc Đoàn mặc áo trấn thủ, đâu có phong phanh cái áo bà ba như mấy anh Việt Cộng nầy.

Vừa ra khỏi ngõ, tôi lại thấy có mấy anh lính CSDC đứng bên hông “lô cốt”.

Có người nói:

– “Thầy có chi cho tụi em ăn với. Hai ngày nay đói lắm.”

Sở dĩ họ gọi tôi bằng thầy vì trong số đồng đội của họ, không ít người là học trò cũ của tôi.

Vợ tôi nói:

– “Có bánh tét, mấy em ăn không?”

– “Tốt lắm, tốt lắm cô. Cô cho vài đòn!”

Vợ tôi biểu con Thơ bỏ gánh xuống, lấy hai đòn bánh đi tới sát hàng rào, quăng vào cho họ.

Dự tính chạy về Chợ Cống, ngoại ô, tá túc nhà mấy người bạn, nên tôi hỏi:

– “Về Chợ Cống được không?”

– “Không được mô! Việt Cộng chiếm rồi thầy ơi!” Có người trả lời.

– “Vô thành nội được không?” Tôi lại hỏi.

– “Không được. Việt Cộng cũng chiếm rồi.” Lại có tiếng trả lời.

Không kịp suy nghĩ, tôi nói với vợ tôi: “Về Hàng Me.”

Đường Hàng Me cách nhà tôi hiện ở không xa, chưa tới nửa cây số.

Chúng tôi lúp xúp chạy, đường vắng hoe. Tới ngã tư có đường về sân vận động Tự Do, tôi thấy bên cạnh đường, kế gốc cây là xác hai người lính Việt Nam Cộng Hòa. Sau mới biết rằng hai người nầy về nhà ăn tết, nửa đêm nghe súng nổ, mặc quần áo đi bộ vào trại. Tới ngã tư nầy thì họ bị Việt Cộng bắn chết. Gia đình thân nhân chưa hay biết gì cả nên chưa chôn cất.

Tới đường Hàng Me, tôi ghé nhà bác Hoàng Xưởng, quen biết từ năm trước. Bác cũng có người con trai, học trò trường của tôi chứ không phải học trò tôi. Trước đây một năm, tôi cũng từng ở xóm nầy nên cũng quen biết nhau.

Bác ấy làm Công An (Cảnh Sát Đặc Biệt). Khu đường Hàng Me, vì trái đường, xa doanh trại quân đội nên chẳng có đánh chác gì ở đây cả. Vì không đánh nhau, bộ đội chưa tới thì cán bộ Việt Cộng cũng chưa mò tới dây, tình hình khác với chỗ khác là vậy.

Vợ bác Xưởng và mấy bà hàng xóm đang ngồi đánh tứ sắc. Thấy chúng tôi tới, họ nghỉ đánh bài, lấy đồ ăn dọn ra cho chúng tôi ăn.

Vợ chồng con cái chúng tôi và mấy đứa ở lần lượt thay nhau tắm rửa, thay quần áo, thấy khỏe khoắn và ăn ngon.

Nghĩ cũng buồn cười. Hai nơi cách nhau chưa được nửa cây số, nơi của tôi thì đánh nhau liền hai ngày đêm, điện nước không có, lại còn phải chui vào hầm trốn súng đạn suốt cả đêm. Nơi đây thì chẳng có gì hết. Súng đạn chỉ nghe xa xa vọng lại, giống như một xứ sở thanh bình, chẳng biết chiến tranh là gì cả.

Quá trưa, bác Xưởng qua nhà bên cạnh, hỏi thuê tạm cho gia đình tôi một chỗ trú chân. Nhà nầy chính là ngôi nhà tôi đã ở năm vừa qua.

Nói chuyện với chủ nhà xong, bác Xưởng nói với tôi:

– “Tui hỏi giúp anh chị lấy tạm một phòng nhà bên kia. Tối qua bên đó ngủ cho thoải mái.”

Được vậy, vợ chồng tôi mừng lắm, bèn mang đồ đạc qua nhà bên đó. Tôi vào hỏi thăm chủ nhà cho phải phép.

Vào tới nhà ông, tôi lại thấy buồn cười. Người đứng ra thay mặt chủ nhà cho thuê là ông Hoành, ông nầy làm sở Mỹ nên trông cũng khá giả, thoải mái. Khi tôi tới, ông đang ngồi ở sa-lông chơi với đứa con trai, miệng ngậm ống vố, hút thuốc Seventy-Nine thơm lừng. Tôi tự trách thầm. Học hành như ông nầy, chẳng tới đâu mà sướng vậy. Còn như mình, làm thầy giáo, chẳng bao giờ giàu, chỉ đủ ăn, giặc giã chạy loạn, tay dắt tay ôm, sao mà khổ thế!

Cũng vì ý nghĩ đó nên sau Mậu Thân, nhập ngũ rồi, ra đơn vị, tôi cũng học thói mỗi khi có thì giờ thì ngồi “vếch đốc củ tỏi” mà hút ông vố, thuốc Seventy-Nine thơm phức cho khỏe với đời một chút vậy!

Tối hôm đó, tôi ngủ ngon, mặc dù vẫn còn nghe súng nổ ở phía nhà cũ. Súng nổ xa, biết đạn sẽ không tới chỗ mình nên yên giấc suốt đêm.

hoànglonghải

 

 

Thảm sát Mậu Thân 1968

 

Thảm Sát Tại Huế 1968

 

Giải khăn sô cho Huế – Nhã Ca

Mậu Thân Huế 01

Mậu Thân Huế 02

Mậu Thân Huế 03

Read 3285 times

Last modified on Mittwoch, 31/01/2018

ĐỨC MẸ MARIA tước hiệu LAVANG
Bổn mạng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

https://hinhanh.ldcg.de/

 

« March 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31

Chuyện Phiếm Đạo Đời

Vậy, xin thưa: thoạt khi lọt lòng mẹ, bần đạo được xếp hạng thứ mười hai trong gia đình nhỏ bé, các cụ tìm không ra cái tên nào hay đẹp hơn nữa, bèn đặt cho cái tên là Trần Ngọc Tá, rồi đi hỏi cha xứ Trịnh Như Khuê (lúc ấy làm linh mục chánh xứ Hàm Long, Hà Nội), rồi sẽ sửa đổi sau. Nhưng, cha xứ Hàm Long sau đó làm Giám Mục rồi Hồng Y, các cụ thân sinh ra bần đạo không còn dám quấy rầy cha/cố nữa. Quên đi mất. Để rồi thằng bé, khi di cư vào Nam, đến Nha Trang, quan chức cứ gọi tên lên mà hạch hỏi, thay vì gọi tay Trần ngọc Tá, cứ phiên âm thành Trần Ngọc “Té”, nghe như thằng bé bị té giếng không nghe tiếng gọi, mãi chẳng lên. Thôi thì, từ đó xin chọn tên này làm … quê hương. Dẫu khó thương. Và, đó là những tâm tình hơi khó thương, nhưng có thật, đấy ạ.

Và, đáp ứng câu của chị Đỗ Thị Thu Vân, cựu giáo chức ở Sài gòn, đã hỏi: tại sao các vấn đề người viết đưa ra, đều bỏ ngỏ, không giải đáp? Bần đạo tình thật thưa: mình rất tránh những tranh luận/cãi vã về lập trường thần học, rất thánh kinh. Phần này, xin nhường lời cho các đấng bậc cao siêu, đứng lớp. Riêng cá nhân, chỉ nhìn ra vấn đề trong sống Đạo, ở đời thường. Đã là tốt. Các giải đáp, cho vấn nạn đặt ra cho mỗi người, ở cuộc sống; hãy cứ để mọi người được kiếm tìm. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô rồi, sẽ có đáp số cho riêng mình, mà sống Đạo. Trong cuộc đời. Với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden

Lịch Mục Vụ

  

KyyeuLDCG

Để đánh dấu mừng kỷ niệm 40 năm Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, Liên Đoàn Công Giáo đã thực hiện một tập kỷ yếu ghi lại những sinh hoạt của LĐCGVN và tất cả hình ảnh của các Đại Hội Công Giáo kể từ ngày thành lập cho tới nay. Mọi chi tiết cần biết xin liên lạc Văn Phòng LĐCGVN

Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

2018 10 09 14 31 09

Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam được phát hành qua email 2 tuần một lần. Nếu muốn nhận trực tiếp bằng email, xin vui lòng gởi thư GHI DANH tại địa chỉ: giaosivietnam@gmail.com

LyTrungTin

Soạn Giả cuốn Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị và Tạp Chí Dân Văn không giữ bản quyền cuốn sách này, do đó tất cả mọi người vì nhu cầu viết tiếng Việt đều có thể in ấn cũng như sử dụng cuốn Tự Vị này, mong rằng đây là một đóng góp tích cực và nhỏ nhoi cho cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại.

- Download/tải Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị
- Download/tải Phụ bản

Khách truy cập

Hôm nay 49

Tổng cộng 14235446

Lên đầu trang