Tết Mậu Thân tại Nha Trang

Tết Mậu Thân tại Nha Trang

Còn đúng một tuần lễ nữa là người dân Nha Trang nói riêng và người Việt Nam nói chung hân hoan đón mừng giao thừa xuân Mậu Thân! Nhưng liệu họ có được hưởng niềm hạnh phúc thiêng liêng đó hay không khi mà tình hình chiến sự trên khắp lãnh thổ miền Nam ngày càng tỏ dấu cho thấy sẽ có một sự bùng phát mãnh liệt của một trận chiến qui mô hơn giữa một bên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh Hoa Kỳ và phía bên kia là quân Cộng sản Bắc Việt và quân Giải Phóng miền Nam?

Cộng sản Bắc Việt đang vạch ra kế hoạch chiêu dụ quân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa rút bớt quân phòng thủ tại các đô thị đông dân ra các vùng biên giới và khu giới tuyến quân sự, theo kế “ điệu hổ ly sơn”; những cuộc chuẩn bị của Bắc Việt tấn công chiếm các tiền đồn ở biên giới trong một thời gian ngắn mà Hoa Kỳ có thể phát hiện, cũng không có gì mới lạ và quan trọng, chỉ là việc coi thường các tổn thất về sinh mạng và vũ khí đã từng xảy ra trước đây, mà phía Việt cộng vẫn thường làm, nhằm trấn an phía Hoa Kỳ là sẽ không có bất kỳ một âm mưu nào trong việc cầm chân quân đội Hoa Kỳ tại những nơi này để tấn công các nơi khác.

Dù thế nào đi nữa, từ mùa xuân cho tới mùa thu 1967, Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ tại Sài Gòn vẫn lấy làm bối rối bởi một loạt những hoạt động do quân Bắc Việt và quân Giải Phóng miền Nam bắt đầu thi hành ở những vùng biên giới.

Ngày 24 tháng 4, một lực lượng tuần tiểu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đánh trả một đơn vị Bắc Việt đang đánh chiếm phi đạo và Căn Cứ Chiến Đấu Khe Sanh, một trong những vị trí phòng thủ phía tây của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong tỉnh Quảng Trị. Cuộc chiến chấm dứt vào tháng 5 với 940 quân Bắc Việt và 155 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tử trận.

Trong 49 ngày từ đầu tháng 9 và kéo dài sang tháng 10, quân Bắc Việt bắt đầu pháo kích đồn biên giới Cồn Tiên của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, ngay phía nam vùng phi quân sự. Cường độ dữ dội của cuộc pháo kích (100 đến 150 đợt mỗi ngày) đã thúc dục tướng Westmoreland tung ra cuộc hành quân “ Neutralize ” ( Vô hiệu hóa ), một chiến dịch oanh kích dữ dội với 4,000 phi tuần vào bên trong và ngay ở phía bắc của đường phân định giới tuyến hai miền Nam Bắc. Còn nhiều trận đánh khác trong tháng 10 ở Sông Bé, thị xã của tỉnh Phước Long, Lộc Ninh ( tỉnh Bình Long ), Dakto ( tỉnh Kontum ), mà hầu hết đều đã xảy ra tại các tiền đồn biên giới.

Việc quân Bắc Việt tấn công các tiền đồn biên giới, về mặt chiến lược và chiến thuật, thật không có gì khó hiểu! Nhưng điều mà quân Bắc Việt đang nổ lực là họ đang thực hiện giai đoạn đầu của kế hoạch dự trù: lôi cuốn sự chú ý của Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ về vùng biên giới và kéo họ ra khỏi những thành phố và vùng duyên hải đông dân cư.

Tướng Westmoreland cũng quan tâm nhiều hơn đến tình hình tại Khe Sanh, một địa điểm chiến lược quan trọng trên đường giao thông Bắc Nam, cách Quảng Trị 30 dặm về phía tây và cách vĩ tuyến 17 khoảng 20 dặm, nơi mà, vào ngày 21 tháng giêng năm 1968 một lực lượng quân đội Bắc Việt ước khoảng từ 20,000 tới 40,000 đã chiếm một căn cứ của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam ( MACV ) tin rằng những người Cộng sản hoạch định mở cuộc tấn công và tràn ngập căn cứ này như là một khúc nhạc dạo đầu trong cố gắng chiếm hai tỉnh cực bắc của miền Nam Việt Nam. Để ngăn cản một khả năng như thế có thể xảy ra, tướng Westmoreland đã cho bố trí 250,000 quân tới Vùng 1 Chiến Thuật, bao gồm một nửa các tiểu đoàn thiện chiến của Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Song song với nổ lực dụ cho Hoa Kỳ đưa quân đội Mỹ ra xa dần thành phố, phe Cộng sản Bắc Việt vẫn tiếp tục cho tăng cường việc tiếp vận một cách đều đặn, bằng việc lợi dụng lúc đồng bào chuẩn bị đi mua sắm tấp nập trong những ngày giáp tết, lợi dụng việc các trạm cảnh sát lưu thông, các điểm kiểm soát quân sự lơ là, chểnh mảng trong công tác kiểm tra hàng hóa nhập vào thành phố, chúng đã bí mật chuyển vũ khí, đạn dược ngụy trang dưới các xe tang chở quan tài, xe vận tải chở hàng hóa, rau quả, bông hoa, cây kiểng vào thị xã. Chúng cũng đã chuẩn bị cất giấu vũ khí tại nhiều địa điểm an toàn khác nhau trên toàn miền Nam, chờ cơ hội thuận tiện đem ra sử dụng. Ngoài ra chúng cũng đưa người xâm nhập vào các thành phố, thị xã bằng cách dùng căn cước giả trà trộn trong đám dân chúng đi chơi xuân để dễ bề hành động.

Hàng năm khi sắp đến những ngày tết âm lịch, theo thông lệ, Hà Nội và Việt Nam Cộng Hòa đều đồng ý hưu chiến trong 3 ngày tết để quân nhân công chức và dân chúng hai miền vui đón mấy ngày xuân. Trái với thông lệ, năm nay, tết Mậu Thân, Nguyễn Duy Trinh, Ngoại Trưởng Cộng sản Bắc Việt đề nghị kéo dài 7 ngày hưu chiến để dân chúng được hưởng một cái tết thanh bình hơn. Ý đồ lộ liễu này đã bị phát hiện, do đó Việt Nam Cộng Hòa chỉ đồng ý hưu chiến trong 36 giờ, bắt đầu từ 18 giờ ngày 29 tháng giêng đến 06 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968, tức từ chiều 30 tết đến sáng mồng 2 tết, ngắn hơn các lần hưu chíến trước 1 ngày.

Theo Tướng Westmoreland, do các tin tức tình báo, do các tài liệu bắt được từ tù hàng binh địch, đã không còn nghi ngờ gì nữa việc Cộng sản đang phát động một “ cuộc tấn công và tổng nổi dậy qui mô ”sẽ được mở đầu vào dịp tết năm nay, chỉ có điều không thể xác định được thời điểm: trước, trong hay sau tết.

Tuy nhiên, ông đã thuyết phục không thành công Tổng Thống Thiệu hủy bỏ việc ngừng bắn trong dịp tết hoặc giảm xuống còn 24 giờ, vì theo vị nguyên thủ quốc gia, phong tục thờ cúng ông bà của người dân miền Nam trong dịp lễ tết quan trọng nhất của đất nước không thể hủy bỏ được, hơn nữa, việc hủy bỏ sẽ tạo cho phía địch một lý do để tuyên truyền chống chính phủ miền Nam. Sau cùng Tổng Thống Thiệu đồng ý rút ngắn thời gian ngừng bắn còn 36 giờ, hạn chế việc nghỉ phép đối với quân nhân và 50% quân số trong tất cả các đơn vị trên toàn lãnh thổ miền Nam phải sẵn sàng trong tư thế hoàn toàn ứng chiến.

Tổng Thống Thiệu cũng tán thành việc hủy bỏ hoàn toàn lệnh ngừng bắn ở hai tỉnh cực bắc do Tướng Westmoreland, qua trung gian của Đại Sứ Bunker, đề nghị với Washington. Ông còn đề nghị Washington vẫn cho tiếp tục ném bom hai tỉnh này ở ngay phía bắc khu phi quân sự là nơi Cộng quân đang tập trung quân số đông đảo. Phía Cộng sản không được thông báo lệnh hủy bỏ ngừng bắn đơn phương cho đến khi có cuộc họp báo vào cuối buổi chiều ngày 29 tháng giêng năm 1968 của Barry Zorthian, Trưởng Phòng Thông Tin Dân Sự tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.

Nha Trang là một thành phố miền biển rất thơ mộng. Người dân Nha Trang sống hiền hòa, cởi mở, chân thành với mọi người. Trong những ngày cận tết, trong không khí rộn ràng của việc đi phố chợ sắm tết, người dân lũ lượt kéo nhau đi mua sắm bánh mứt trà rượu hoa quả thức ăn để cúng tổ tiên, ông bà trong đêm giao thừa và để gia đình cùng vui hưởng với nhau những bữa ăn đặc biệt trong ba ngày tết. Chợ tết mở suốt đêm, đèn giăng sáng rực, ngoài một số nam thanh nữ tú rảnh rang muốn gia nhập vào làn sóng người đi mua sắm để tìm những thú vui chỉ xảy ra có một lần trong cuối năm, đa số những người lớn tuổi hơn đều tất bật và tìm mua cho đủ các thứ cần thiết cho gia đình trong mấy ngày xuân.

Từ ngày ra Trường Bộ Binh Thủ Đức tháng 12 năm 1965, tết này là cái tết thứ ba mà tôi ăn tết xa gia đình. Nhưng tết Mậu Thân năm nay, tuy xa gia đình, tôi đã có được một mái ấm gia đình nhỏ bé. Tôi và Hằng đã cưới nhau vào trung tuần tháng 11 năm nay sau khi cả hai chúng tôi, kẻ trước người sau, cùng đến trình diện làm việc tại Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận chỉ cách nhau có ba ngày vào hồi tháng 6 năm 1966. Sau một năm năm tháng gặp nhau, làm việc chung với nhau trong Phòng Kế Hoạch Chương Trình, rồi quen nhau, yêu nhau và đã quyết định đi đến hôn nhân sau khi được gia đình hai bên chấp thuận.

Trước tết khoảng một tuần, tôi trình lên Thiếu Tá Tô Đăng Mai, Tham Mưu Trưởng ( Thiếu Tá Mai nguyên là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 18 Công Vụ, thuyên chuyển về Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tá Trần văn Phủ, đang là Tham Mưu Trưởng được hoán chuyển về Tiểu Đoàn 18 Công Vụ giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 18 Công Vụ ) xin cho tôi và Hằng mỗi người một giấy phép đặc biệt đi về quê Bình Dương ăn tết. Nhưng do tình trạng cấm trại 50%, giấy phép đã không được chấp thuận. Lại phải nghĩ đến chuyện ăn tết cùng với thân nhân ở Nha Trang là gia đình ông bà Cúc ở Xóm Mới ( một người em của bà Nội của Hằng ) trong mấy ngày sắp tới đây.

Việc thăng thưởng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa theo thông lệ xảy ra hàng năm vào Ngày Quân Lực 19 tháng 6, ngày Cách Mạng 1 tháng 11 và ngày tết Nguyên Đán. Tin từ Phòng Tổng Quản Trị Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận, Thiếu Tá Ngô Minh Châu, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận được vinh thăng Trung Tá trong dịp tết này, ngoài ra còn một số sĩ quan, hạ sĩ quan tại Bộ Chỉ Huy cũng được thăng cấp. Mấy hôm nay, Phòng Chiến Tranh Chính Trị ráo riết gửi thiệp mời quan khách tham dự đêm dạ vũ tiếp tân có bữa ăn nhẹ, được tổ chức lúc 7 giờ 30 chiều ngày 29 tháng 1 tại hội trường Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Chỉ Huy Trưởng các đơn vị tiếp vận đều được mời tham dự. Một toán quân nhân của Đại Đội Tổng Hành Dinh phụ trách việc chăng đèn, kết hoa và sắp xếp phía bên trong hội trường. Ban nhạc chơi cho đêm dạ vũ nghe nói được thuê từ một câu lạc bộ nổi tiếng trong phi trường Long Vân.

Mới chưa 7 giờ, vị khách đầu tiên đã bắt đầu bước lên bậc thềm của Hội Trường. Dập dìu tài tử giai nhân, rồi lần lượt, toán năm, toán ba lũ lượt kéo đến và bước vào bên trong hội trường. Người ta thấy có sự hiện diện của Thiếu Tá Nguyễn Quang Quyền, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 85 Yểm trợ Quân Cụ, Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Lan, Chỉ Huy Trưởng Kho 151 Thực Phẩm Quân Trang, Thiếu Tá Nguyễn Văn Viễn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 651 Yểm trợ Truyền Tin, Y Sĩ Thiếu Tá Phùng Quốc Anh, Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Nguyễn Huệ, Thiếu Tá Nguyễn Thanh Trang, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 250 Trung Hạng Yểm Trợ Quân Cụ đi cùng với các phu nhân…Các quan khách gặp nhau tay bắt mặt mừng, chào hỏi nhau rộn ràng vui vẻ. Đây là dịp họp mặt cuối năm lý tưởng để hàn huyên, vui chơi, nhảy nhót, cùng ăn uống với nhau để đánh dấu sự kết thúc một năm cùng hợp tác làm công tác tiếp vận khá vất vả. Chẳng mấy chốc mà hội trường đã gần như chật kín người. Tiếng nhạc rập rình như lôi cuốn, như thúc dục mọi người hãy mau chóng tìm chỗ an vị để buổi lễ được bắt đầu.

Phía ngoài cổng trại, quan khách vẫn hãy còn tiếp tục đi vào. Thượng Sĩ Nhơn hôm nay lên phiên làm điếm trưởng, thay cho một người bạn ở nhà cúng giao thừa, đồng thời được đề cử kiêm nhiệm chức vụ Sĩ Quan An Ninh cho buổi lễ. Việc canh gác từ phía ngoài cổng cho đến hội trường, các vọng gác chung quanh doanh trại Quang Trung đều được diễn tiến tốt đẹp.

Trở lại phía bên trong Hội Trường, lúc bấy giờ, sau phần phát biểu ngắn nêu lý do của việc tổ chức buổi lễ của vị Trung Tá Chỉ Huy Trưởng tân thăng, phần dạ vũ được bắt đầu với một bản nhạc theo điệu Paso Doble. Hội Trường khá rộng, từng cặp từng cặp đưa nhau ra sàn nhảy. Trung Úy Cao Bá Thi, mới thuyên chuyển về Bộ Chỉ Huy, một đồng sự với tôi tại Khối Thanh Tra, hôm nay phụ trách phần điều phối chương trình cùng với ban nhạc.

Đêm dạ vũ đã diển ra tốt đẹp. Vị nào cảm thấy mỏi chân và đói bụng vì nhảy nhiều thì tìm ra phía bên ngoài để ăn uống. Việc ăn uống được tổ chức dưới hình thức self service nên linh động, tiện lợi và thoải mái. Từng toán từng toán vừa ăn uống vừa hàn huyên, gặp những câu chuyện vui, lại có những tràng cười dài gần như bất tận.

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Buổi dạ vũ được kết thúc bằng bản nhạc Tabu quen thuộc với phần trình diễn đầy nhục cảm của một vũ nữ sexy được mệnh danh là thần Vệ Nữ của Câu Lạc Bộ Long Vân trong phi trường Nha Trang.

Đã gần tới giờ bước sang năm mới Mậu Thân 1968, quan khách tham dự dạ vũ rủ nhau đi chùa dự lễ giao thừa và thắp nhang cúng Phật. Cả một khối người khổng lồ cùng với xe cộ đậu chật hết các bãi đậu xe trước đây 15 phút, bây giờ đã không còn một ai, sự im vắng đã được trả lại cho trại Quang Trung. Các quân nhân có trách nhiệm canh gác và kiểm tra canh gác vẫn làm công việc hàng ngày của mình, tuy rằng hôm nay có một vài sự thay thế giữa một số người bị bận việc tết nhất, cúng giao thừa và một số người rảnh rỗi hơn, tình nguyện làm việc thay thế.

Đã đến giờ giao thừa! Cả thành phố Nha Trang như đang sống trong mọi thứ âm thanh hỗn độn: chuông nhà thờ, chuông đại hồng chung từ các chùa, tiếng pháo nổ từng hồi mừng Chúa Xuân đã về, tiếng xe cộ chạy ngược chạy xuôi của những con chiên đi lễ nhà thờ hay của các Phật tử đi lễ chùa, tiếng Honda chạy đầy đường của các nam thanh nữ tú; thỉnh thoảng xen lẫn vào các thứ âm thanh hổn tạp đó là những loạt đạn lẻ tẻ được bắn ra từ các loại súng cá nhân, như mọi năm thỉnh thoảng vẫn thường thấy ở các đơn vị có các quân nhân canh gác, tuy nhiên người ta cũng chú ý đến những loạt đạn mà tiếng nổ dòn tan nghe lạ tai, rồi những trận oanh kích của phi cơ trực thăng, của A37 ( Skyraider ) nghe rất gần ở phía Tòa Hành Chánh tỉnh. Điều gì đã xảy ra ngay trong đêm giao thừa? Người dân trong thành phố bắt đầu tìm hiểu hiện tượng bất thường này qua lời tường trình của Đài Phát Thanh Nha Trang:

“ Lợi dụng sự vui chơi của đồng bào trong dịp đầu xuân, lúc 12 giờ 30, ngày mồng một tết, một trung đội đặc công Cộng sản đã tấn công vào Tòa Hành Chánh tỉnh Khánh Hòa, liền bị Chi Đoàn Thiết Giáp do Trung Tá Lê Khánh, Tỉnh Trưởng Khánh Hòa bố trí trước đó ngay tại Tòa Hành Chánh và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu tiêu diệt gọn! ” Nhưng theo Don Oberdorfer trong “ Tet! The Turning Point in the Viet Nam War ” (trang 122), xuất bản năm 1971 tiết lộ: “ Khi Tòa Hành Chánh tỉnh bị quân Cộng sản tấn công, Trung Tá Lê Khánh đã yêu cầu các viên chức Hoa Kỳ mở một cuộc tấn công trên bộ để tái chiếm tòa hành chánh. Phía người Mỹ, thay vì đáp ứng lời yêu cầu, lại mở một cuộc oanh kích gây thiệt hại không nhỏ và thiêu rụi tòa hành chánh. Bốn xác Việt cộng được tìm thấy bên trong đống tro tàn ”.

“ Cùng thời gian trên, một Hạ Sĩ canh gác Đài Phát Thanh Nha Trang, chú ý đến hai chiếc xe cơ giới nhỏ đang ngừng lại bên cạnh một ngôi chùa cho hành khách xuống. Họ hình như mặc quân phục của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng có vẻ khả nghi trong hành động vội vàng. Sau khi cố gắng gọi điện thoại về Bộ Chỉ Huy không được, Hạ sĩ Lê Văn Thắng thông báo tin tức những người mới đến trên đài phát thanh và được trả lời đó có thể là quân đội Cộng sản cải trang. Thắng báo động cùng các bạn canh gác đài phát thanh, và leo lên một lô cốt cao phía bên ngoài, bắn mấy loạt đạn súng máy nhẹ vào khoảng trống gần ngôi chùa và những người hành khách giả dạng quân đội chính phủ lập tức bắn trả lại bằng một loạt súng tiểu liên ”.

“ Cũng trong cùng thời gian trên, quân Cộng sản đã nả 6 quả đạn súng cối 82 ly vào Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, nhưng đạn không trúng mục tiêu và một cuộc tấn công đẫm máu vào thành phố Nha Trang do một bộ phận chính của Trung Đoàn 18-B quân Bắc Việt tiếp theo sau đó hai tiếng đồng hồ ”.

Đài Phát Thanh Nha Trang lại vừa phát đi một bản tin tức mới: “ Quân Cộng sản Bắc Việt cũng đồng thời mở một cuộc tấn công vào doanh trại Quang Trung, nơi đồn trú của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận và Bộ Chỉ Huy Quân Vận Vùng 5 lúc 12 giờ 30, gây nhiều thiệt hại về nhân mạng cho quân trú phòng. Hiện toàn bộ doanh trại nằm dưới sự kiểm soát của quân Cộng sản ”.

Có nhiều mục tiêu quân sự trong thành phố Nha Trang, nhưng các lực lượng bộ binh của quân Cộng sản Bắc Việt lúc đầu chỉ có khả năng xâm nhập Tòa Hành Chánh Tỉnh Khánh Hòa và Doanh trại Quang Trung, nơi đồn trú của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận và Bộ Chỉ Huy Quân Vận Vùng 5. Thời điểm mà quân Cộng sản Bắc Việt tấn công vào Trại Quang Trung cũng là thời điểm mà chúng tấn công vào Tòa Hành Chánh Tỉnh Khánh Hòa. Hai đơn vị hành chánh và quân sự này hầu như nằm kế bên nhau.

Tại Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận, từ sĩ quan trực, hạ sĩ quan trực cho đến điếm trưởng, binh sĩ canh gác không ai nhận được bất cứ một chỉ thị nào của chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, tham mưu trưởng hoặc sĩ quan trực trên Bộ Chỉ Huy lưu ý việc canh gác cẩn thận, đề phòng việc Việt cộng có thể lợi dụng thời gian hưu chiến 36 giờ để tấn công đơn vị. Sĩ quan trực Bộ Chỉ Huy cũng không nhận được một tin tức tình báo nào từ các văn phòng chuyên thu thập các tin tức tình báo cấp cao hơn như Phòng 2 Quân Đoàn, Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu, kể cả từ giới chức tình báo Hoa Kỳ. Do đó khi cuộc tấn công vào Trại Quang Trung xảy ra, các quân nhân ứng trực, canh gác gặp bất ngờ, không ai xoay trở gì kịp để đối phó với kẻ địch khi một chiếc xe lam chở khách từ hướng Bưu Điện thành phố chạy nhanh qua Tòa Hành Chánh và thắng gấp trước cổng Trại Quang Trung. Từ trên xe, một tiểu đội quân Bắc Việt với những khẩu AK đạn đã lên nòng nhảy xuống xe, một tên chỉa súng ngay vào đầu Thượng Sĩ Nhơn bóp cò một loạt. Mặc dù với cây Colt 45 bên hông, ông không thể có phản ứng kịp thời và đã ngã gục trên vũng máu tươi! Toán quân xâm nhập tiến vào bên trong. Trung Sĩ Tình, hạ sĩ quan trực đang đứng hóng mát trước phòng trực báo động với Trung Úy Sẻ, sĩ quan trực: “ Trung Úy, Trung Úy, Việt cộng đang tấn công vào trại ” và chạy trốn mất biệt! Trung Úy Sẻ không còn có thời gian để chạy trốn vì bọn chúng đang đuổi gấp phía sau và đến lượt Trung Úy Sẻ cũng ngã gục vì một loạt đạn AK oan nghiệt! Không còn ai có thì giờ báo động cho các vọng gác, nên hầu hết các binh sĩ canh gác đều lần lượt bị thanh toán. Một trường hợp đáng thương tâm: Binh nhất Huấn có phiên gác thứ hai từ 1 đến 2 giờ sáng, anh xin phép điếm trưởng ở nhà cúng giao thừa rồi sẽ vào gác. Khi nghe có nhiều tiếng súng nổ, anh hấp ta hấp tấp đạp xe vào trại. Quân Cộng sản thấy có quân nhân mới vào, họ xả một loạt đạn từ đầu xuống chân, anh té xuống tắt thở, nằm đè lên chiếc xe đạp, mình nhuộm đầy máu. Vợ con anh Huấn, nhà ở trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay phía sau Doanh trại Quang Trung, dắt díu nhau đi lánh nạn khi biết có Việt cộng tấn công xâm nhập vào trại. Gần sáng chợp mắt chị mộng thấy khắp người anh Huấn nhuộm đầy máu tươi! Người ta bảo người chết oan báo mộng cho người thân. Ngoài các quân nhân đang thi hành công vụ bị địch quân sát hại, còn một số các chuẩn uý độc thân, mới ra trường, một số hạ sĩ quan, binh sĩ, không có thân nhân ở bên ngoài, cư ngụ trong phòng nội trú của Bộ Chỉ Huy Quân Vận Vùng 5, không được đi phép nhân dịp tết, đi chùa dự lễ giao thừa về đến trại, không hề biết có quân Việt cộng đột nhập vào bên trong trại, tất cả đều bị sát hại. Riêng một số hạ sĩ quan, binh sĩ độc thân làm việc tại Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận cư ngụ trong phòng độc thân của Đại Đội Tổng Hành Dinh, nhờ sự khôn ngoan, nhanh nhẹn và nhất là gặp may mắn đã len lỏi trốn thoát trong các phòng ốc. Toàn bộ Doanh trại Quang Trung đặt dưới sự kiểm soát của quân Cộng sản Bắc Việt kể từ 30 phút sau giao thừa.

Lại nói thêm về cái chết của Trung Úy Sẻ. Anh là sĩ quan thuộc Sư Đoàn 10 Bộ Binh ( sau này là Sư Đoàn 18 Bộ Binh ), bị thương, được xếp vào loại 2, xin về nguyên quán phục vụ tại Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Trong danh sách trực Bộ Chỉ Huy tháng 1 năm 1968, tôi trực ngày 29 tháng 1, Trung Úy Sẻ trực ngày 28 tháng 1. Như đã có đề cập trước đây, trước tết một tuần, tôi và Hằng trình xin giấy phép đặc biệt nhân dịp tết Mậu Thân để đi Bình Dương. Khi Phòng Tổng Quản Trị phổ biến danh sách trực, tôi có đề nghị với Trung Sĩ I Kiệt cho hoán đổi ngày trực với Trung Úy Sẻ. Dự định của tôi là lo trực cho xong trước tết để, nếu vào giờ chót có được cấp giấy phép, sẽ dễ dàng ra đi trước tết, về đến Bình Dương cũng còn kịp giờ đón giao thừa. Nhưng vào phút chót, tuy chỉ có lệnh cấm trại 50%, tôi và Hằng vẫn không được chấp thuận cho đi phép đặc biệt.

Chiều 28 tháng 1 tôi lên phiên trực lúc 6 giờ chiều và mọi việc vẫn xảy ra bình thường, chiều 29 tôi xuống phiên trực, bàn giao cho Trung Úy Sẻ và đêm giao thừa 30 tháng 1, Trung Úy Sẻ đã bị Việt cộng sát hại. Đốt nén hương lòng, tôi khấn nguyện Trung Úy Sẻ sống khôn thác thiêng, bỏ qua cho việc tôi tự động thay đổi phiên trực mà vì đó anh đã phải bị sát hại, không kịp từ giã gia đình. Đêm anh lên phiên trực, quân Bắc Việt, do sự chỉ điểm của các du kích địa phương, đã đến nhà hỏi vợ con anh đi đâu vắng nhà. Vợ anh bảo anh đi trực tại Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Chúng đe sáng mai, nếu không thấy anh về, coi như anh đã bị chúng sát hại!

Cho đến 7 giờ sáng ngày mồng một Tết Mậu Thân, ngày 30 tháng 1 năm 1968, Doanh trại Quang Trung đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Cộng sản Bắc Việt trọn một đêm, gần 7 tiếng đồng hồ.

Ngay từ sáng sớm, một chiếc M48 tiến từ từ vào cổng Trại Quang Trung, đi kèm phía sau là một chiếc Jeep M151A2. Các quân nhân trên cả hai xe đều trang bị áo giáp, mũ sắt và hai loại súng. Xe tiến chầm chậm đến văn phòng Bộ Chỉ Huy, dừng lại quan sát, đoạn chạy tới một đoạn ngắn rồi trở đầu lại, chạy thêm một đoạn đường nữa, rẽ trái, chạy dọc theo Phòng Kế Hoạch Chương Trình, vòng qua Đại Đội Tổng Hành Dinh và trở ra cổng.

Bầu tử khí từ sau giao thừa đêm hôm qua như vẫn còn quanh quất khắp trại, với không dưới 10 quân nhân bị thảm sát mà thi thể hãy còn nằm tại vị trí đã ngã xuống chưa được di chuyển đi; cái se lạnh của buổi sáng sớm miền biển, sự vắng lặng đến rợn người của một doanh trại không có bóng của một quân nhân, khiến cho dù ai có “ dạ sắt gan đồng ”cũng cảm thấy nao lòng như vừa nhận được một luồng điện lạnh chạy khắp châu thân trong giờ phút này! Quân Bắc Việt đang ẩn núp, rình rập hai chiếc xe, chờ cơ hội để khai hỏa, sát hại thêm một số kẻ thù nữa để nâng cao thành tích diệt địch. Chiếc M48 đã ra gần tới cổng, đầu vị sĩ quan đứng ngang tầm pháo tháp, phía bên trên có nón sắt che chở. Bỗng vị sĩ quan này nhướng người lên nhìn lại toàn cảnh doanh trại lần cuối trước khi ra khỏi trại. Một loạt AK dòn tan xuyên thẳng vào chiếc nón sắt của vị sĩ quan đứng trong pháo tháp. Ông gục xuống pháo tháp và cả hai chiếc xe đều vụt chạy ra khỏi cổng trại. Vị sĩ quan bị sát hại trên chiếc M48 đó là Thiếu Tá Dương Quan Sang, Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị tại Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận, vị sĩ quan đi trên chiếc Jeep M151A2 đó là Thiếu Tá Nguyễn Thanh Trang, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 250 Trung Hạng Yểm Trợ Quân Cụ.

Không lâu sau đó, cuộc hành quân giải tỏa Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận đã được sự phối hợp của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và Sư Đoàn 2 Không Quân.

Thiếu Tá Tú, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Lực Lượng Đặc Biệt đã đích thân chỉ huy cuộc truy quét bên trong Doanh trại Quang Trung. Quân Bắc Việt không chịu nổi khói lựu đạn cay, chạy ra khỏi các chỗ ẩn nấp, nhưng cứ quanh quẩn trong phòng. Tình cảnh của chúng lúc bấy giờ như lũ chuột trong hang đang bị xông khói, tiến thối lưỡng nan, chạy ra cũng chết mà ở lại trong hang thì cũng chết ngộp. Phía quân nhân cơ hữu của Bộ Chỉ Huy trốn trong các phòng cũng bị ngộp khói, chạy ra khỏi chỗ núp, bị các tên Việt cộng phát hiện, nhưng một trong hai người đã không gặp may mắn, Binh nhất Ty, một đã tự viên tại Phòng Kế Hoạch Chương Trình bị một loạt đạn AK chết 5 phút trước khi trại được giải tỏa, quân nhân kia, một Trung Sĩ Quân Cảnh cũng bị một loạt đạn xuyên từ má trái sang má phải, bể hết hai hàm răng, nhưng may mắn được cứu sống. Toán Việt cộng sau cùng cũng bị phi cơ và các quân nhân Lực Lượng Đặc Biệt thanh toán. Điều đáng tiếc là Thiếu Tá Tú bị trọng thương và nghe nói qua đời tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ một thời gian sau đó. Nguồn tin này chưa được phối kiểm.

Về phía quân đội Hoa Kỳ, Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Dã Chiến số I Hoa Kỳ tại Nha Trang là đơn vị đầu tiên bị tấn công, tiếp theo không lâu sau Ban Mê Thuột, Kontum, Hội An, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Qui Nhơn và Pleiku. Trong các cuộc tấn công, Việt cộng luôn theo một chiến thuật giống nhau: tấn công trước bằng súng cối hoặc hỏa tiễn, rồi liền theo đó là những cuộc tấn công đồng loạt trên bộ của các tiểu đoàn chủ lực, đôi khi có sự hỗ trợ của quân chính qui Bắc Việt.

Theo John Buckley, một nhân viên quân cảnh thuộc Đại Đội A, Tiểu Đoàn Quân Cảnh 504, cuộc tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu ngay sau nửa đêm ngày 30 tháng 1 năm 1968, những đợt súng cối và hỏa tiễn rót như mưa trên thành phố Nha Trang, phi trường Nha Trang và trại McDermott, trại chính của Tiểu Đoàn 504.

Lần pháo kích này không gây ngạc nhiên nhiều vì những cuộc tấn công tương tự đã xảy ra nhiều lần trước đây, thường chỉ kéo dài một khoảng thời gian ngắn, cho đến khi bị lộ vị trí, rồi thì hoặc là chúng trốn chạy vào rừng hoặc là bị pháo binh hay phi cơ tiêu diệt. Buổi sáng sớm hôm nay thì khác. Những đợt súng cối và hỏa tiễn chỉ là những dạo khúc mở đầu cho điều đang xảy đến. Khi phi cơ tấn công bay đến địa điểm hành quân, các bóng đen chạy ra phía trước từ các con đường nhỏ tối đen, từ những cánh cửa của những gian nhà chỉ huy và từ bên trong lòng của pho tượng Phật khổng lồ tọa lạc bên cạnh thành phố ( Xem Chú thích 9: Kim Thân Phật Tổ ). Những bóng đen này là quân đội chính qui Bắc Việt đã đột nhập vào thành phố Nha Trang nhiều ngày trước 30 tháng 1. Chỉ trong vòng vài phút, toán tuần tiểu quân cảnh bị đội quân xâm nhập tấn công ồ ạt. Cuộc chạm trán kéo dài nhiều giờ.

Quân Bắc Việt có mặt khắp nơi. Người ta không thể tin có quá nhiều quân đội Bắc Việt đã đột nhập vào thành phố như vậy mà không ai biết hay nghe thấy gì cả và điều tệ hại nhất, họ đã xâm chiếm và kiểm soát toàn bộ thành phố Nha Trang. Họ đã rải quân ra khắp các khu vực chung quanh Bộ chỉ huy hành quân Kim Thân Phật Tổ ở phía dưới vùng đồng bằng, họ trà trộn vào khu vực dân cư đông đúc ra mãi tận đường Phương Sài, ngã ba Trần Quí Cáp, khu vực Mã Vôi. Với khẩu AK mà họ cho là “ khẩu tiểu liên vạn năng ”, họ leo lên những tấm “ dalles ” dùng làm nóc nhà tắm nhắm bắn những chiếc trực thăng của Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Đồng Minh đang phóng những quả đạn đại liên 30, 50 xuống đầu họ.

Điều không may cho chúng tôi, địa điểm này lại là nơi trú ngụ của tôi và Hằng. Chúng tôi đã thuê một căn nhà ở 59 đường Phương Sài của một Bà O sau khi cưới nhau được hơn một tháng. Trong tình cảnh này, không có cách nào khác ngoài việc đi tản cư. Lợi dụng lúc tình hình tương đối yên tịnh buổi chiều ngày mồng một tết, chúng tôi cụ bị một ít quần áo, một ít đồ dùng cần thiết và lên honda chạy thẳng đến nhà ông bà Cúc ở Xóm Mới xin tá túc.

Tại Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận, mặc dù cuộc hành quân giải tỏa toán Cộng quân tấn công và xâm nhập vào Doanh trại Quang Trung do Lực Lượng Đặc Biệt và Sư Đoàn 2 Không Quân phối hợp đã dứt điểm tên Việt cộng cuối cùng lúc gần 4 giờ chiều ngày mồng một tết, nhưng vẫn phải chờ cho đến khi quân đội chính phủ tấn công và giải tỏa hết các lực lượng Cộng sản Bắc Việt chiếm đóng các đơn vị đồn trú trong thành phố và tuyên bố đã kiểm soát toàn thành phố Nha Trang mới ra thông báo kêu gọi quân nhân trình diện đơn vị để tiếp tục lo việc ứng trực, canh gác như thường lệ theo giờ giấc qui định của thông cáo chung của Quân Trấn.

Theo Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa tại thành phố Nha Trang, sự tổn thất của trận tấn công Tết Mậu Thân của quân Cộng sản Bắc Việt và quân của chính phủ, đồng minh và thường dân tại Nha Trang như sau: 377 Việt cộng bị giết, 77 bị bắt, 1 đầu hàng; quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh: 88 tử trận, 220 bị thương; 32 thường dân tử nạn , 187 bị thương; 600 căn nhà bị phá hủy và 3,192 người không có nơi trú ngụ.

Trong số 88 quân nhân tử trận của Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh, riêng Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận và Bộ Chỉ Huy Quân Vận Vùng 5 đã chiếm gần 18. Cấp bậc cao nhất là Thiếu Tá Dương Quan Sang, Trung Úy Sẻ, Chuẩn Úy Chương, Thượng Sĩ Nhơn, Binh nhất Huấn, một số hạ sĩ quan và binh sĩ tử trận chưa được liệt kê danh sách.

Cuộc chiến Tết Mậu Thân tại Nha Trang thực sự chỉ bắt đầu sau giao thừa một khoảng thời gian ngắn ngày 30 tháng 1 năm 1968 ( sau giao thừa 30 phút ), tuy không kéo dài đến 25 ngày đêm như ở Huế, không gây thiệt hại nhân mạng lên đến con số trên 5,000 như ở Cố Đô, tuy nhiên, nếu đem so trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ trong vòng chưa hơn hai ngày kể từ khi quân Cộng sản Bắc Việt mở cuộc pháo kích, tấn công và chiếm đóng một số ít đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trú đóng tại thành phố Nha Trang cho đến khi được giải tỏa, con số thương vong lên trên 300 đã là khá cao.

Việc tấn công quả là bất ngờ và gây lúng túng cho phía Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và đồng minh, mặc dù các tin tức tình báo, các tài liệu, các cung từ của tù hàng binh địch họ đã có trong tay, nhưng việc phân giải, khai thác chưa đủ để có thể biết được cường độ của các cuộc tấn công qui mô đến đâu, thời điểm của các cuộc tấn công sẽ xảy ra lúc nào: trước, trong hay sau tết. Quân Bắc Việt lại còn dùng kế nghi binh đánh lừa Hoa Kỳ tập trung quân đến những nơi có mặt trận giả ở vùng biên giới, dọa tấn công căn cứ của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Khe Sanh, khiến cho Hoa Kỳ dồn quân lực phòng thủ địa điểm quan yếu này để tránh một Điện Biên Phủ thứ hai, để rồi họ lại đưa quân xâm nhập và bất thần đồng loạt tấn công vào 36 trong 44 tỉnh, thành phố, thị trấn, hàng trăm thị xã miền Nam Việt Nam và Thủ Đô Sài Gòn, vi phạm trắng trợn thỏa hiệp hưu chiến 36 giờ mà họ đã long trọng cam kết, đã biến giờ giao thừa đầu năm âm lịch thiêng liêng của người dân miền Nam Việt Nam thành một thảm họa đau thương tang tóc cho khắp mọi nhà. Tuy nhiên “ Xưa nay nhân định thắng thiên ” cũng đã nhiều lần xảy ra, quân Cộng sản đã không dành được thắng lợi quân sự ở bất cứ nơi nào trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, dù cho họ có cố gắng chiếm giữ nơi đó bao lâu cũng mặc.

Điều đau đớn nhất mà quân Cộng sản Bắc Việt và quân Giải Phóng miền Nam đã phải chuốc lấy là song song với sự thảm bại về mặt quân sự trong cuộc tổng tiến công trên khắp các tỉnh, thành phố, thị trấn, thị xã, khiến con số thương vong của họ lên đến khoảng 32 ngàn người, gần 6 ngàn bị bắt chỉ riêng trong đợt I tổng công kích; hy vọng lôi kéo người dân miền Nam “ tổng nổi dậy ”cũng không thành công!

Một điều tai hại hơn nữa cho quân đội Cộng sản là mặc dù biết là bị thất bại to tát ngay trong lần ra quân đầu tiên, họ đã không biết thay đổi kế hoạch một cách linh hoạt theo sự chuyển hướng quân sự, mà còn phát động thêm hai đợt nữa vào tháng 5 và tháng 8, khiến cho sự thiệt hại của họ càng gia tăng cao hơn.

Họ đã đánh giá quá thấp Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, rút cục Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không bị sụp đổ, trái lại theo Don Oberdorfer trong cuốn Tet! The Turning Point in the Vietnam War (trang 329): Câu hỏi không thay đổi đầu tiên với một nhà biên niên sử về trận tấn công Tết Mậu Thân là: Ai thắng? Cho tới ngày hôm nay, câu trả lời là: Không có ai thắng cả! Mọi người đều thua.

Quân Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng đã thua một trận chiến. Hàng chục ngàn chiến binh tinh nhuệ và kinh nghiệm nhất từ trong rừng tiến vào thành phố chỉ để bị tiêu diệt bởi mưa pháo và bom cày. Quân Việt cộng mất hết một thế hệ những tay chiến đấu anh dũng và sau Tết Mậu Thân, quân chính qui Bắc Việt đã phải được đưa vào miền Nam để điền khuyết.

Riêng chính quyền Hoa Kỳ thua một điều quan trọng hơn: mất sự tin tưởng của người dân trong quốc nội. Phía Cộng sản chỉ đạt được duy nhất một thắng lợi mang tính chiến lược là họ đã thực hiện được một trận đánh gây tiếng vang lớn, tạo một khúc quanh cho cuộc chiến Việt Nam, nhằm buộc phía Hoa Kỳ phải xuống thang chiến tranh và đi vào đàm phán, gây một hậu quả gián tiếp, theo đó Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson ngày 31 tháng 3 năm 1968 tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa và ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt.

Việt STAR - GIAI PHẨM XUÂN CANH DẦN 2010.

 

Read 2514 times

Last modified on Mittwoch, 31/01/2018

ĐỨC MẸ MARIA tước hiệu LAVANG
Bổn mạng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

https://hinhanh.ldcg.de/

 

« March 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31

Chuyện Phiếm Đạo Đời

Vậy, xin thưa: thoạt khi lọt lòng mẹ, bần đạo được xếp hạng thứ mười hai trong gia đình nhỏ bé, các cụ tìm không ra cái tên nào hay đẹp hơn nữa, bèn đặt cho cái tên là Trần Ngọc Tá, rồi đi hỏi cha xứ Trịnh Như Khuê (lúc ấy làm linh mục chánh xứ Hàm Long, Hà Nội), rồi sẽ sửa đổi sau. Nhưng, cha xứ Hàm Long sau đó làm Giám Mục rồi Hồng Y, các cụ thân sinh ra bần đạo không còn dám quấy rầy cha/cố nữa. Quên đi mất. Để rồi thằng bé, khi di cư vào Nam, đến Nha Trang, quan chức cứ gọi tên lên mà hạch hỏi, thay vì gọi tay Trần ngọc Tá, cứ phiên âm thành Trần Ngọc “Té”, nghe như thằng bé bị té giếng không nghe tiếng gọi, mãi chẳng lên. Thôi thì, từ đó xin chọn tên này làm … quê hương. Dẫu khó thương. Và, đó là những tâm tình hơi khó thương, nhưng có thật, đấy ạ.

Và, đáp ứng câu của chị Đỗ Thị Thu Vân, cựu giáo chức ở Sài gòn, đã hỏi: tại sao các vấn đề người viết đưa ra, đều bỏ ngỏ, không giải đáp? Bần đạo tình thật thưa: mình rất tránh những tranh luận/cãi vã về lập trường thần học, rất thánh kinh. Phần này, xin nhường lời cho các đấng bậc cao siêu, đứng lớp. Riêng cá nhân, chỉ nhìn ra vấn đề trong sống Đạo, ở đời thường. Đã là tốt. Các giải đáp, cho vấn nạn đặt ra cho mỗi người, ở cuộc sống; hãy cứ để mọi người được kiếm tìm. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô rồi, sẽ có đáp số cho riêng mình, mà sống Đạo. Trong cuộc đời. Với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden

Lịch Mục Vụ

  

KyyeuLDCG

Để đánh dấu mừng kỷ niệm 40 năm Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, Liên Đoàn Công Giáo đã thực hiện một tập kỷ yếu ghi lại những sinh hoạt của LĐCGVN và tất cả hình ảnh của các Đại Hội Công Giáo kể từ ngày thành lập cho tới nay. Mọi chi tiết cần biết xin liên lạc Văn Phòng LĐCGVN

Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

2018 10 09 14 31 09

Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam được phát hành qua email 2 tuần một lần. Nếu muốn nhận trực tiếp bằng email, xin vui lòng gởi thư GHI DANH tại địa chỉ: giaosivietnam@gmail.com

LyTrungTin

Soạn Giả cuốn Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị và Tạp Chí Dân Văn không giữ bản quyền cuốn sách này, do đó tất cả mọi người vì nhu cầu viết tiếng Việt đều có thể in ấn cũng như sử dụng cuốn Tự Vị này, mong rằng đây là một đóng góp tích cực và nhỏ nhoi cho cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại.

- Download/tải Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị
- Download/tải Phụ bản

Khách truy cập

Hôm nay 42

Tổng cộng 14235554

Lên đầu trang