Print this page

Tại sao phải ăn chay?

Tại sao phải ăn chay?

Tại sao phải ăn chay, kiêng thịt?

Ăn chay giúp cho con người biết về chính con người thật của mình. Đặt cho mình những câu hỏi để biết mình là ai? Thân xác của mình có thật là của mình không? Nếu thân xác thật là của mình và mình làm chủ nó, thì sao mình không biết gì về mọi hoạt động trong lục phủ, ngũ tạng, biết bao nhiêu triệu, bao nhiêu tỷ vi trùng tốt cũng như xấu đang sống chung trong cơ thể của mình mà mình không biết? Nếu mình làm chủ thân xác của mình, thì sao không ra lệnh cho các bệnh tật, các vi trùng xấu nguy hiểm, cho các vi khuẩn như Corona cũng như những vi khuẩn ác tính khác ra khỏi thân xác mình đi?

Câu trả lời là: Không ai có thể làm được, cho dù là Bác sĩ, Bác học hoặc nhà Thông thái cũng chỉ giới hạn trong thân phận phàm nhân. Như vậy, thân xác của mỗi người nằm trong tay và sự quan phòng của Đấng Tạo Hóa.

Con người trong thế giới ngày hôm nay đang vướng vào tội "kiêu ngạo", họ tưởng mình có thể làm được tất cả, chế tạo được những máy móc tinh vi, những máy bay khổng lồ, những Robote thông minh, nhưng chỉ một con vi khuẩn Corona (Virus) bé nhỏ, bé nhỏ đến nỗi tưởng như vô hình đã làm cho toàn thế giới bất lực trước ôn dịch Corona đang hoành hành khắp thế giới.

Khi nói đến ăn chay trước hết phải nghĩ đến hai chữ: „Trở lại“ (Umkehr).

Nhiều người tự hỏi: Tại sao phải trở lại, mà trở lại chỗ nào??

Ăn chay, kiêng thịt là những dấu chỉ bề ngoài, nói lên lòng sám hối từ tận đáy lòng, nói lên sự từ bỏ những thèm muốn, đam mê của thể xác, để nhìn nhận rằng thân xác mình được Thiên Chúa tác sinh vào trần gian từ bụi đất, sau cuộc lữ hành nơi trần thế thân xác sẽ lại trở về tro bụi. Ăn chay để biết mình đứng trước tôn nhan Đấng Tạo Hóa chỉ là phàm nhân hèn mọn.

Giáo Hội mời gọi mọi người cầu nguyện, ăn chay hãm mình, làm việc bác ái, để nhìn lại những giới hạn nơi bản thân, để bớt đi sự tự phụ, kiêu căng, để vượt thắng những đam mê, những đòi hỏi vô bổ của thể xác, những quyến rũ của thế gian, tiền tài, sắc dục, và danh vọng của ma quỷ, (ba thù) sám hối về những lỗi lầm và hòa giải những việc mà mình đã vô tình hoặc cố ý xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em.

Tại sao phải trở lại?

Kinh Thánh cho chúng ta biết, tất cả mọi sự vật Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp, Sách Sáng thế chương 1 câu 26 và câu 31) Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!

Nhưng sự tốt đẹp ấy đã bị ma quỷ vì ghen tị mà phá hoại. Ma quỷ ghen tị vì Thiên Chúa dựng nên con người đẹp đẽ giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên đã tìm cách cám dỗ để con người tự đánh mất đi những gì tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa ban cho. Khi nghe ma quỷ cám dỗ, ông bà Nguyên Tổ đã phạm tội „kiêu ngạo“, ông bà đã muốn trở nên như Thiên Chúa (x St 3,1-14) nên đã bị đuổi ra khỏi Vườn địa đàng và phải lãnh hậu quả là sự chết. Sự kiêu ngạo của ông bà Nguyên tổ đã truyền nhiễm vào tâm tính của tất cả hậu duệ (tất cả nhân loại).

Trong sách Tam Tự Kinh, Đức Khổng Tử cũng xác định rằng: „Nhân chi sơ, tính bản thiện“. Con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội, của môi trường chung quanh mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, và tội lỗi thâm nhập vào con người.

Trong thời tổ phụ Nô-ê, Kinh Thánh thuật lại rằng:

ĐỨC CHÚA thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. ĐỨC CHÚA hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. ĐỨC CHÚA phán: “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, Ta hối hận vì đã làm ra chúng.” Nhưng ông Nô-ê được đẹp lòng ĐỨC CHÚA.

Đây là gia đình ông Nô-ê: Ông Nô-ê là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông đi ovới Thiên Chúa. Ông Nô-ê sinh ba con trai là Sêm, Kham và Gia-phét. Đất đã ra hư hỏng trước nhan Thiên Chúa và đầy bạo lực. Thiên Chúa nhìn đất và thấy nó đã ra hư hỏng, vì mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất. (St 6,5-12)

Sự gian ác hoành hành trên mặt đất, không chỉ trong thời tổ phụ Nô-ê mà còn kéo dài cho tới ngày hôm nay. Ai ai cũng muốn khoe mình hơn người khác, tài giỏi hơn,  giàu có hơn, đẹp hơn, tìm đủ mọi cách để cung phụng cho thể xác, tìm cách mua quan bán chức. Rất nhiều người khi đã có chức quyền trong tay, thay vì phục vụ thì lại dùng quyền hành để vụ lợi cho cá nhân cho gia đình của mình, bóc lột, ức hiếp người cô thân cô thế.

Vì vậy, ăn chay là để quay trở về (Umkehr) với bản tính lương thiện và tốt lành mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho mỗi con người khi được tác sinh vào trần gian. Ăn chay là để nhìn lại con người mình, để biết mình là ai? Để trở lại với Đấng tác sinh ra mình. Ăn chay không chỉ có trong Mùa Chay, nhưng trong suốt cuộc đời của mỗi người. Ăn chay không cứ ở bề ngoài để người ta biết mình ăn chay, nhưng nên ăn chay như Chúa Giêsu dạy:

Ăn chay cách kín đáo (Mt 6,16-18)

"Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Mùa Chay được bắt đầu từ „Thứ Tư Lễ Tro“ và kết thúc vào chiều thứ Bảy Tuần Thánh trước Lễ Vọng Phục Sinh. Trong thời gian này tổng cộng là 46 ngày, trong đó có 6 ngày Chúa nhật. Ngày Chúa nhật không buộc ăn chay mà phải ăn mừng, vì là ngày Thứ Nhất trong tuần, mỗi ngày Chúa nhật là ngày mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Lễ tro là nghi thức nhắc nhở cho con người biết rằng: mình được Thiên Chúa tạo dựng từ bụi đất, và sẽ trở về bụi đất. (x St 3,19)

Ngày nay Giáo Hội buộc ăn chay kiêng thịt trong hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, đó là những biểu tượng cho lòng ăn năn sám hối để trở về với Thiên Chúa. Các ngày khác trong Mùa Chay thì Giáo Hội khuyên chúng ta ăn chay để dễ thắng vượt được những cám dỗ, để cho linh hồn và thể xác được thanh tịnh gọn gàng hơn hầu xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu, Đấng là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha.

Lạy Cha toàn năng, chúng con trông cậy vào Lòng Thương Xót vô bờ bến của Cha, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới trước đại nạn ôn dịch Corona. Amen.

Giuse Bùi Văn Toàn, FD

 

Read 1585 times

Last modified on Samstag, 29/02/2020