Print this page

Của Xê-da trả về Xê-da

Jesus und der Zinsgroschen, Fresko (1744) von Paul Troger, Stiftsbibliothek Altenburg (NÖ) Jesus und der Zinsgroschen, Fresko (1744) von Paul Troger, Stiftsbibliothek Altenburg (NÖ) Von Wolfgang Sauber - Eigenes Werk, CC BY-SA 4.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=70996876

Khi còn nhỏ, tôi thấy và nghe nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau; có gia đình nọ thấy họ sống khá giả lắm, nhưng rồi sau này không biết vì sao mà gia đình họ sống có vẻ chật vật khó khăn, rồi lại nghe mấy người lớn khác xì xèo, nói ra nói vào: của Xê-da trả về Xê-da. Thật sự lúc đó tôi không hiểu tại sao họ lại xì xèo như vậy.

Hôm nay, Chúa nhật 29 thường niên, Giáo Hội cho chúng ta nghe và suy ngẫm về sự việc những người Do Thái cùng thời với Chúa Giêsu có ác ý gài bẫy để Người lỡ lời hầu tố cáo Người xách động dân chúng phản loạn, một cái bẫy rất thâm độc. Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, Thánh Mátthêu trình thuật như sau:

Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế !” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." (Mt 22,15-21)

Thời Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng cho nhân loại, thì nước Do Thái đang chịu cảnh đô hộ, đàn áp của Đế quốc La Mã, mà quan Tổng trấn đại diện cho Đế quốc là Phong-xi-ô Phi-la-tô; đồng thời lúc bấy giờ vua dân Do Thái là Hê-rô-đê. Vua Hê-rô-đê tuy là vua nhưng quyền hành rất hạn hẹp, vì bị chi phối bởi quan Tổng trấn Phi-la-tô. Tình hình chính trị của Nước Do Thái lúc bấy giờ rất rối ren; trong Dân chia làm nhiều phe đảng. Phe thì chống La Mã, Phe thì thân La mã, còn Phe khác thì không thân cũng không chống. Phe chống La Mã dĩ nhiên là bầy tôi của vua Hê-rô-đê; còn những người Pha-ri-sêu, các Kinh sư và Luật sĩ thì bị Chúa Giêsu lên án là những kẻ đạo đức giả, vì họ không sống trong tình thần yêu thương của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà họ muốn tìm mọi cách, để nhờ tay dân ngoại là người La Mã giết Chúa Giêsu.

Câu hỏi của những người Pha-ri-sêu hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”

Câu hỏi đã được tính toán trước, vì họ nghĩ rằng: làm cách nào Chúa Giêsu cũng bị họ tố cáo bởi câu hỏi này. Nếu Chúa Giêsu nói: Phải nộp thuế cho Xê-da vì họ đang cai trị đất nước chúng ta, thì bề tôi của vua Hê-rô-đê sẽ lên án Chúa Giêsu là "Do Thái gian" và báo cho vua Hê-rô-đê để giết đi; còn nếu như Chúa Giêsu nói: Không được nộp thuế cho Xê-da, thì người ta sẽ báo cho Tổng trấn Phi-la-tô biết là Chúa Giêsu xách động dân chúng không nộp thuế cho Xê-da, thì sẽ bị Phi-la-tô lên án là phản loạn và sẽ giết đi. Một cái bẫy lưỡng toàn mà họ đã đặt ra để tố cáo Chúa Giêsu.

Nhưng họ không thể ngờ được sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. Chỉ một câu trả lời ngắn gọn mà Người đã hóa giải được cái bẫy mà họ cho là thập toàn. Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế !” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."

Nghe đoạn Kinh Thánh ở trên, Chúa Giêsu nói: của Xê-da, trả về Xê-da thì có thể hiểu được, vì Người đã trả lời và giải nghĩa rất rõ ràng. Còn câu của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa thì phải hiểu như thế nào? Cái gì và những gì là của Thiên Chúa?

Chúng ta đọc lại bài đọc thứ nhất trong Thánh lễ Chúa nhật hôm nay sẽ thấy được câu trả lời mà ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết những gì là của Thiên Chúa:

ĐỨC CHÚA phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô – Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó; Ta tước khí giới của các vua , mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa. Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để từ đông sang tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác. (Is 45,1.4-6)

Trong thời Cựu ước, dân Do Thái là Dân riêng của Thiên Chúa. Vua Ky-rô là dân ngoại, một vị vua không biết Thiên Chúa toàn năng là ai. Vậy mà, chính Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong Ky-rô làm vua, và dùng vua Ky-rô như một khí cụ để loan báo cho thiên hạ  biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Thiên Chúa. Thiên Chúa là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác.

Mấy trăm năm sau, Đế quốc Babylon không còn nữa, tiếp theo là Đế quốc Hy Lạp rồi đến Đế quốc La mã thống trị đất nước Do Thái; miền đất mà Thiên Chúa đã hứa cho tổ phụ Abraham Isaac, Giacóp và con cháu các Ngài. Thiên Chúa đã hứa cho Dân của Người! Sao Thiên Chúa lại để cho Dân của Người phải chịu đau khổ, chịu đàn áp dưới ách đô hộ của ngoại bang? Trong Kinh Thánh Cựu ước ghi lại: đã biết bao lần Dân riêng của Chúa khi đã được no cơm ấm áo, giàu sang phú quí, họ đã lìa bỏ Thiên Chúa, chạy theo tiền bạc, tôn thờ các ngẫu tượng nên Thiên Chúa đã để mặc họ, chính vì vậy mà họ phải chịu đau khổ. Trong cơn đau khổ, người ta hồi tâm lại và biết chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể gìn giữ, ban bình an và hạnh phúc, nên họ đã trở lại, sám hối và nương nhờ vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa toàn năng.

Vinh hoa phú quí, chức quyền của hoàng đế Ky-rô, đại đế Alexande cũng như những gì người ta nói là của  hoàng đế Xê-da rồi sẽ qua đi, và bất cứ những gì của ai trên trần gian này cũng vậy. Vì khi người ta từ giã thân nhân để đi về thế giới bên kia, không ai có thể mang theo một đồng tiền hay một xu bạc. Tất cả những gì trong vũ trụ này là của Thiên Chúa. "Mà của Thiên Chúa, thì trả về Thiên Chúa."

Ôi! Lạy Thiên Chúa của con! Con tin kính một Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Xin Chúa gìn giữ anh chị em chúng con, đừng để chúng con sa vào những chước cám dỗ mà xa lìa Chúa rồi phải chịu đau khổ trầm luân. Xin Chúa thương xót chúng con! Chúng con tín thác vào Chúa. Amen.

Giuse Bùi Văn Toàn, FD

Read 904 times

Last modified on Samstag, 17/10/2020