Hãy lại cùng Mẹ! Xin sự an vui cho gia đình con và thế giới!

Hãy lại cùng Mẹ!  Xin sự an vui cho gia đình con và thế giới!

Tháng Năm, tháng mà toàn thể Giáo hội dâng Hoa kính Đức Mẹ Maria.

Trong những ngày qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô tha thiết mời gọi con cái trong Giáo Hội chạy đến cùng Đức Mẹ Maria, để xin Người cầu bầu trước tòa Chúa Giêsu, Con của Mẹ ban cho mỗi người chúng ta và cho thế giới được thoát khỏi cơn đại dịch Corona hiểm nghèo này. Đã hơn một năm nay, thế giới sống trong âu lo, sợ hãi, nhiều người đã bị vi khuẩn Corona cướp đi sinh mạng, nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn tang thương.

Trong những lúc khó khăn, cùng cực nhất, các môn đệ hầu hết đã bỏ trốn, một phần vì sợ, một phần vì mất niềm tin, trong đó có cả chúng ta nữa. Tuy vậy, Chúa Giêsu vẫn yêu thương và lo lắng cho chúng ta. Chúa Giêsu bị treo trên thập giá vì tội lỗi của chúng ta, trước khi Người trút hơi thở cuối cùng, Người không để chúng ta mồ côi, nên Người đã trối môn đệ của Người cho Đức Mẹ. Thánh Gioan, người cùng với Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá đã nghe rõ từng lời một, đã thực hành lời Chúa Giêsu dạy và đã ghi lại để chúng ta cũng thực hành như Thánh Gioan:

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 19, người môn đệ Chúa yêu trình thuật lại như sau:

"Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình." (Ga 19,25-27)

Mỗi lần đi hành hương đến thánh địa, nơi Đức Mẹ hiện ra để an ủi và ban ơn cho con cái của Mẹ, tôi thường nhớ đến Lời Chúa Giêsu dạy, nên thưa với Đức Mẹ: Xin Mẹ ở với chúng con!

sMzT5ZQ6 r9kQEZDUsi5uFKQGmk
Tôi chợt nhớ lại bài viết của Cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD, bài viết được đăng trong cuốn sách "Một năm bước đi theo Chúa" (trang 120) mà Cha đã thực hiện. Cha Giuse Tịnh trước kia làm linh hướng cho Họ đạo Đức Mẹ La-Vang thuộc Giáo phận Aachen, Đức quốc.

“Đức Mẹ An Ủi Kẻ Âu Lo”

 

Kính viếng Trung tâm Hành hương
Kevelaer, Đức quốc

       Tại Đức quốc có hai trung tâm hành hương lớn để tôn sùng Đức Mẹ Maria. Trung tâm thứ nhất là Altötting, thuộc miền Ðông-Nam, trong tiểu bang Bayern. Trung Tâm thứ hai là Kevelaer, thuộc miền Tây-Bắc, trong tiểu bang Nord-Rhein-Westfalen. Từ nhiều năm nay, vào dịp Mùa hè, người Công giáo Việt Nam sống ở miền Tây-Bắc Ðức quốc có thói quen đi hành hương kính Đức Mẹ tại Kevelaer.

            Kevelaer là một thị xã nhỏ, ở về phía bắc tỉnh Köln, thuộc khu biên giới Đức quốc và Hòa-lan. Kevelaer có chừng 25 ngàn dân, sống bằng nghề nông: trồng trọt, chăn nuôi và chuyên chở các nông sản. Một số ít người chuyên về nghề chạm trổ, tô họa hoặc sản xuất các đồ thờ phượng, như ảnh tượng, tràng hạt, đèn nến v...v, để cung cấp không nguyên cho Đức quốc mà còn cho một số quốc gia Âu Châu khác nữa.

            Thế kỷ 17, Kevelaer là một làng nhỏ bé, dân số chỉ có chừng 300 người. Nằm trong khu vực giữa hai quốc lộ cắt nhau: đường Rheinstrasse, hướng Bắc-Nam và đường Maasstrasse, hướng Đông-Tây. Ở chỗ hai quốc lộ cắt nhau, người ta có dựng một cây Thánh Giá cao, bằng gỗ. Trước Cây Thánh Giá này, mỗi khi đi ngang qua, ông Heindrich Bussman, một lái buôn rong, thường dừng lại, để cầu nguyện. Một lần, trong Mùa Lễ Chúa Giáng Sinh năm 1641, lúc đang cầu nguyện, ông nghe có tiếng bảo ông: hãy dựng một nguyện am gần Cây Thánh Giá. Vài tuần lễ sau, có hai người lính Lục-xâm-bảo gõ cửa nhà ông. Họ muốn bán một số ảnh vẽ tượng „Đức Mẹ an ủi kẻ âu lo” đặt tại nhà thờ chính tòa Thành phố Lục-xâm-bảo. Lúc ấy chỉ có bà Bussman ở nhà. Bà từ chối mua ảnh, vì giá tiền khá cao. Đêm hôm ấy, bà nằm ngủ và mơ trông thấy một nhà nguyện nhỏ có bức ảnh Đức Mẹ mà hai người lính đã muốn bán cho bà. Một bác tuần phu canh đêm trông thấy ngôi nhà của gia đình Bussman ban đêm rực sáng. Mấy ngày hôm sau bác kể lại cho bà Bussmann nghe. Lúc này bà mới dám cho chồng biết về giấc mơ. Ông Bussman cũng kể cho vợ nghe về tiếng nói bảo ông làm một nguyện-am gần Cây Thánh Giá, khi mà cách đó mấy năm, ông đã cầu nguyện ở nơi này.

            Ngay hôm ấy, ông bà tìm đến vị sĩ quan chỉ huy quân đội Lục-xâm-bảo và mua được một bức ảnh “Đức Mẹ an ủi kẻ âu lo”. Ông bà cũng mua một khung ảnh bằng gỗ thật đẹp và lồng ảnh vào khung gỗ. Vì chưa có nhà nguyện, nên họ giữ bức ảnh ở nhà dòng các linh mục Camêlô tại Geldern, cách Kevelaer chừng 10 cây số. Sau đó, ông bà xúc tiến việc dựng một nguyện đường nhỏ. Ngày 01.06.1642 khánh thành nhà nguyện và bức ảnh quý báu được cung nghinh về Kevelaer, đặt trong nguyện đường. Bức ảnh được vẽ trên nền đồng, khổ 7,6 cm x 8,9cm, được lồng vào một khung lớn bằng bạc và bằng vàng. Nguyện đường mang tên “Gnadenkapelle” (nghĩa là ”Nguyện đường ân phúc”). 350 năm sau, tức năm 1992, nhà nguyện được chỉnh trang rất hoàn mỹ, như chúng ta thấy hiện giờ.

            Ngay từ ngày bức ảnh được cung nghinh từ Geldern về Kevelaer, dân chúng đã nô nức tới cầu nguyện cùng “Đức Mẹ an ủi kẻ âu lo”, và Đức Mẹ đã giúp họ được rất nhiều ơn lành, sức khỏe, qua khỏi tai nạn, buôn bán may lành, có sức chịu đựng đau khổ, niềm an ủi tâm hồn, sự bình an và hài hòa v...v.  Đặc biệt Kevelaer là nơi mà Giáo hội cầu xin ơn hòa bình cho Âu châu và thế giới.

            Trong nửa đầu thế kỷ 20, đã xảy ra hai thế chiến khốc liệt ngoài sức tưởng tượng: thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) và thế chiến thứ hai (1939 - 1945). Cả hai đều bắt nguồn từ sự thù ghét giữa hai cường quốc: Đức và Pháp. Chính vì vậy, mà năm 1949, Đức cha Pierre-Marie Théas, Giám mục Giáo phận Lộ Đức, Pháp-quốc và cũng là chủ tịch phong trào hòa bình Pax Christ quốc tế, đã tới Kevelaer, để cùng với Giáo hội Đức cầu nguyện cho công cuộc hòa giải Pháp-Đức, làm nền tảng cho việc xây dựng một Cộng đồng Âu châu an bình, tự do và dân chủ. Mở đầu bài giảng giáo, Đức Giám mục nói: “Tôi mến chào toàn thể nước Đức. Tôi mang theo đây và gửi tới mọi người một nụ hôn huynh đệ của nước Pháp công giáo, một nụ hôn tha thứ và xin tha thứ, một nụ hôn hòa giải”. Nhân dịp này, tổ chức hướng đạo của Thành phố München, Ðức-quốc, mang đến ngọn nến hòa bình đã thắp sáng từ Lộ Đức về Altötting và từ Altötting, đi qua Thành phố Krefeld, tới Kevelaer. Cây nến hòa bình được đặt trên một chiếc đĩa lớn bằng đồng, do 3 chim bồ câu đỡ trên cánh, tượng trưng cho 3 Đền Thánh hành hương kính Ðức Mẹ: Lộ Đức, Altötting và Kevelaer. Mỗi ngày thứ bảy, tại cả 3 Đền Thánh, đều có dâng lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

            Tôi chăm chú nhìn bức ảnh “Đức Mẹ An Ủi Kẻ Âu Lo”: nét mặt Người không được vui! Mà Người vui sao được, khi loài người là nạn nhân của những thiên tai liên tiếp: núi lửa, động đất, ngập lụt, đói rét. Tệ hại hơn bội phần: loài người là nạn nhân của chính loài người, những tranh chấp đẫm máu, những oán thù giữa các quốc gia, dân tộc, màu da, tôn giáo, chính đảng v...v. Nhưng sao lại nói những chuyện lớn của thiên hạ, của thế giới? Có biết bao nhiêu chuyện nhỏ của một số gia đình tỵ nạn Việt Nam cũng làm cho Đức Mẹ không được vui.

            Ðược tới tị nạn tại một quốc gia bình an như Đức quốc, lẽ ra chúng ta sống an lành và xây dựng lại một tương lai tốt đẹp cho chính mình, cho gia đình mình, cho quê hương Việt Nam và cho quê hương đang đón nhận mình. Muốn được như vậy, một việc quan trọng mà chúng ta cần phải làm trước hết, đó là yêu thương nhau, cảm thông với nhau, giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ vui buồn cho nhau. Chúng ta hãy tập tin tưởng nhau, tránh suy nghĩ và nói ra những điều không thật và không tốt về người khác!   

       Mỗi khi đi hành hương Kevelaer, nhìn lên ảnh “Đức Mẹ An Ủi Kẻ Âu Lo”, tôi như nghe thấy lời Đức Mẹ khuyên tôi và dạy tôi như vậy.

Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẹ của chúng con, chúng con là con yêu thơ bé của Mẹ. Chúng con kính mừng Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Tháng Hoa kính Đức Mẹ 2021

Giuse Bùi Văn Toàn, FD (Gia đình con cái của Chúa)

Read 902 times

Last modified on Dienstag, 04/05/2021

ĐỨC MẸ MARIA tước hiệu LAVANG
Bổn mạng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

https://hinhanh.ldcg.de/

 

« March 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31

Chuyện Phiếm Đạo Đời

Vậy, xin thưa: thoạt khi lọt lòng mẹ, bần đạo được xếp hạng thứ mười hai trong gia đình nhỏ bé, các cụ tìm không ra cái tên nào hay đẹp hơn nữa, bèn đặt cho cái tên là Trần Ngọc Tá, rồi đi hỏi cha xứ Trịnh Như Khuê (lúc ấy làm linh mục chánh xứ Hàm Long, Hà Nội), rồi sẽ sửa đổi sau. Nhưng, cha xứ Hàm Long sau đó làm Giám Mục rồi Hồng Y, các cụ thân sinh ra bần đạo không còn dám quấy rầy cha/cố nữa. Quên đi mất. Để rồi thằng bé, khi di cư vào Nam, đến Nha Trang, quan chức cứ gọi tên lên mà hạch hỏi, thay vì gọi tay Trần ngọc Tá, cứ phiên âm thành Trần Ngọc “Té”, nghe như thằng bé bị té giếng không nghe tiếng gọi, mãi chẳng lên. Thôi thì, từ đó xin chọn tên này làm … quê hương. Dẫu khó thương. Và, đó là những tâm tình hơi khó thương, nhưng có thật, đấy ạ.

Và, đáp ứng câu của chị Đỗ Thị Thu Vân, cựu giáo chức ở Sài gòn, đã hỏi: tại sao các vấn đề người viết đưa ra, đều bỏ ngỏ, không giải đáp? Bần đạo tình thật thưa: mình rất tránh những tranh luận/cãi vã về lập trường thần học, rất thánh kinh. Phần này, xin nhường lời cho các đấng bậc cao siêu, đứng lớp. Riêng cá nhân, chỉ nhìn ra vấn đề trong sống Đạo, ở đời thường. Đã là tốt. Các giải đáp, cho vấn nạn đặt ra cho mỗi người, ở cuộc sống; hãy cứ để mọi người được kiếm tìm. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô rồi, sẽ có đáp số cho riêng mình, mà sống Đạo. Trong cuộc đời. Với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden

Lịch Mục Vụ

  

KyyeuLDCG

Để đánh dấu mừng kỷ niệm 40 năm Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, Liên Đoàn Công Giáo đã thực hiện một tập kỷ yếu ghi lại những sinh hoạt của LĐCGVN và tất cả hình ảnh của các Đại Hội Công Giáo kể từ ngày thành lập cho tới nay. Mọi chi tiết cần biết xin liên lạc Văn Phòng LĐCGVN

Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

2018 10 09 14 31 09

Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam được phát hành qua email 2 tuần một lần. Nếu muốn nhận trực tiếp bằng email, xin vui lòng gởi thư GHI DANH tại địa chỉ: giaosivietnam@gmail.com

LyTrungTin

Soạn Giả cuốn Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị và Tạp Chí Dân Văn không giữ bản quyền cuốn sách này, do đó tất cả mọi người vì nhu cầu viết tiếng Việt đều có thể in ấn cũng như sử dụng cuốn Tự Vị này, mong rằng đây là một đóng góp tích cực và nhỏ nhoi cho cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại.

- Download/tải Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị
- Download/tải Phụ bản

Khách truy cập

Hôm nay 35

Tổng cộng 14235547

Lên đầu trang