Thầy mà lại rửa chân cho con sao?
Lời Chúa thứ Năm tuần thánh
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘ Thầy ‘, là ‘ Chúa ‘, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. (Ga 13, 1-15)
Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài, trong đó có cả chúng ta là những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đã được rửa bằng Nước và Máu từ trong Trái tim Chúa Giêsu, và được trở nên môn đệ của Chúa.
Suy niệm Lời Chúa hôm nay, tôi chợt nghĩ, vậy, tôi phải rửa chân cho những ai? Người thân cận nhất trong đời sống của mỗi người là ai để mà rửa chân cho người đó trước tiên? Chẳng phải là vợ, là chồng hay sao?. Vợ chồng khắn khít đến nỗi như Chúa Giêsu nói: "Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt." (Mt 19,6a).
Ngày mà hai người nam nữ kết hôn với nhau để chính thức trở nên một xương một thịt, họ đã tuyên hứa với nhau trước bàn thờ Chúa và trước mặt linh mục đại diện Giáo hội và trước Cộng đoàn. Người nam nói: "Anh là…, nhận em… làm vợ, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh. Rồi người nữ cũng nói: Em là…, nhận anh… làm chồng, và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em.
Để yêu thương và tôn trọng anh, tôn trọng em mọi ngày suốt đời. Thật là hạnh phúc trong đời sống Hôn Nhân, vì cả hai đã nên một xương, một thịt. Lẽ ra, chân của vợ cũng là chân của chồng, nếu chân của vợ dơ bẩn, thì chồng tự động rửa cho vợ, vì chân của vợ cũng là chân của chồng cơ mà, ngược lại cũng vậy. Nhưng để làm được việc này, nhất thiết chúng ta phải học nơi Chúa Giêsu. Chúa đã chỉ cho chúng ta một bí quyết: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và học với (nơi) tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng." (Mt 11,29)
Chỉ có sự khiêm nhường trong lòng, không giả hình, thì người ta mới có thể thực hiện được lời thề hứa: Để yêu thương và tôn trọng anh, tôn trọng em mọi ngày suốt đời. Chỉ khi thực hiện được sự rửa chân, sự phục vụ cho người mình yêu, có nghĩa là nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, thì người ta mới cảm nhận được hạnh phúc là gì. Việc rửa chân cho nhau phải bắt đầu từ trong gia đình. Nếu vợ chồng, anh chị em trong gia đình không rửa chân cho nhau được, thì không thể rửa chân cho người khác được. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.
Tôi nhớ đến câu chuyện Kinh Thánh nói đến sự tôn trọng người khác được ghi trong sách Gióp. Ông Gióp là người giàu có nhất trong số các con cái Phương Đông, vậy mà ông tôn trọng cả tôi trai tớ gái của ông. Ông nói: "Giả như tôi chà đạp quyền lợi của tôi trai tớ gái đang tranh tụng với tôi, thì tôi sẽ làm gì khi Thiên Chúa trỗi dậy, khi Người tra hỏi, tôi đáp lại thế nào? Đấng đã tạo ra tôi trong dạ mẹ không phải là Đấng tạo ra nó hay sao? Cũng một Thiên Chúa đã tạo ra chúng tôi hết thảy." (G 31,13-15)
Như vậy, tôn trọng người khác là kính thờ Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và yêu thương muôn loài, muôn vật.
Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh Hôn Nhân để nói lên Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội của Ngài. Chúa đã cho Thánh Gioan thấy thị kiến và được ghi lại trong sách Khải Huyền như sau: “ Thiên thần nói với ông: Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên.” Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ít-ra-en. Phía đông có ba cửa, phía bắc ba cửa, phía nam ba cửa và phía tây ba cửa. Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên ."(Kh 21,9b-14)
Tân Nương, Hiền Thê là Thành Thánh Giê-ru-sa-lem mới, là Giáo Hội của Chúa được xây trên nền móng mười hai Tông Đồ của Chúa Giêsu. Con Chiên chính là Chúa Giêsu, là Chàng Rể. Chúa Giêsu không chỉ rửa chân cho Môn Đệ của Ngài, cho Giáo Hội của Ngài, mà Chúa còn hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi, khỏi sự chết đời đời.
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương nhân loại, Chúa đã xuống thế để cứu chuộc chúng con. Xin Chúa ban ơn và soi sáng cho chúng con, để chúng con biết sống khiêm nhường, hầu có thể phục vụ và rửa chân cho người thân cận của chúng con. Amen.
Giuse Bùi Văn Toàn, FD (Gia đình con cái của Chúa)