Print this page

Cái lưỡi huênh hoang tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác

Cái lưỡi huênh hoang  tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác

Hôm nay Chúa nhật 30 thường niên, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng được Thánh sử Luca trình thuật rằng:

„Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18,9-14)

Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu nói về hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thuộc nhóm Pharisêu (Biệt Phái) và một người thu thuế. Người thu thuế thì ai ai cũng biết họ là ai, còn người Biệt Phái (Pharisêu) là ai? Bản dịch Kinh Thánh mới dịch sát nghĩa là Nhóm (Phái) Pharisêu, bản dịch cũ là Biệt Phái. Biệt Phái nghĩa là Phái (Nhóm) tách riêng biệt ra khỏi dân thường. Những người Biệt Phái (Pharisêu) sống và giữ Lệ Luật rất nghiêm nhặt, họ luôn tự hào là người đạo đức, người công chính, nên thường khinh chê những người khác không thuộc Phái của họ.

Bởi đâu con người hay tự tôn, khinh chê, nhục mạ người khác, nhất là những người có chức quyền, có nhiều của cải, có học thức và học vị cao? Mầm mống của sự khinh chê coi thường người khác bắt nguồn từ sự „kiêu ngạo“. Vậy, lý do từ đâu làm cho con người kiêu ngạo?

Tội đầu tiên do ông bà Nguyên Tổ lỗi phạm là tội „kiêu ngạo“. Kiêu ngạo là đầu mối gây ra bao nhiêu tội khác. Trong kinh „cải tội bảy mối“ có nhắc cho chúng ta biết: "Thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo." Tội kiêu ngạo đứng đầu trong các tội. Tội bắt đầu từ cái lưỡi chẻ đôi của con rắn (Satan). Cái lưỡi của con rắn đã lừa dối bà Eva, nên bà đã phạm tội kiêu ngạo, muốn trở nên tinh khôn và sáng láng như những vị thần. Từ đó, tội kiêu ngạo thâm nhập vào lòng con người, vào tất cả hậu duệ của ông bà nguyên tổ. Hầu hết ai ai cũng tự cho mình là giỏi hơn người khác, biết nhiều hơn và đẹp hơn người khác. Để khẳng định bản thân mình vượt trổi hơn, thì người ta dùng cái lưỡi để nói xấu, chê bai người khác, đẩy họ xuống hố để mình được trổi vượt hơn. Cái lưỡi đã làm ra thung lũng để đẩy những người mình không thích xuống. Cái lưỡi của người kiêu ngạo cũng làm ra núi đồi, để mình ngồi trên đó. Cái lưỡi của người kiêu ngạo hay nói quanh co, làm cho người nghe không biết đâu mà mò, không biết thật hay giả, làm cho người nghe hoang mang và vấp ngã bởi lời nói của họ.

Có nhiều lần Chúa Giêsu khiển trách những người Pharisêu: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. [Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn]. (Mt 23,13-14)

Chúa Giêsu còn nói với họ: „Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là co-ban nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !” (Mc 7,8-13)

Kinh Thánh ghi lại việc Thánh Gioan tiền hô làm phép rửa trong sông Gio-đan: „Khi thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (Mt 3,7-10)

Không chỉ những người Pharisêu thời xưa hay khinh chê kẻ khác, mà cả chúng ta, những Kitô hữu, những con chiên của Chúa ngày hôm nay cũng có rất nhiều người sống như vậy.

Bài đọc thứ nhất trong Thánh lễ hôm nay, sách Huấn ca chỉ cho chúng ta biết: „Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa. Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. (Hc 35,12-14.16)

Ngôn sứ Edekiel, trong một thị kiến đã được nghe lời Thiên Chúa phán như sau: „Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán. Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê. Được chăn trong đồng cỏ tốt tươi đối với các ngươi phải chăng còn quá ít, mà các ngươi lại lấy chân giày đạp phần đồng cỏ còn lại của các ngươi, được uống nước trong mà các ngươi lại lấy chân quậy đục phần còn lại? Vì thế, đàn chiên của Ta phải gặm phần cỏ chân các ngươi đã giày đạp, phải uống phần nước chân các ngươi đã quậy đục. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán với chúng như sau: Này Ta sẽ xét xử giữa chiên béo với chiên gầy. Vì các ngươi thúc vào sườn, vào vai và lấy sừng mà húc vào mọi con chiên đau yếu đến độ các ngươi làm cho chúng phải tản mác ra ngoài, nên Ta sẽ cứu thoát chiên của Ta để chúng không còn bị cướp phá, Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên. (Ed 34,17-22)

Trước tôn nhan Thiên Chúa phàm nhân là gì, chẳng phải chỉ là bụi đất hay sao? Thế mà người ta đã dùng cái lưỡi để hênh hoang, khinh chê, lên án, có khi còn mạt sát người khác nữa. Có lần Chúa Giêsu hỏi những kinh sư và những người Pharisêu cũng như chúng ta rằng: „Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.“ (Ga 8,7b.9)

Những ai biết sám hối và trông cậy vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ biến đổi và thánh hóa người ấy nên công chính; bất luận họ là ai, cho dù người đó giàu có, hay kẻ nghèo hèn, có học thức hay mù chữ, có chức quyền hay những người cô thân cô thế.

Lạy Chúa Giêsu! Cho dù con phàm hèn tội lỗi, nhưng con biết Chúa vẫn thương con, Chúa vẫn muốn đến an ủi con. Mỗi lần con được rước Mình Thánh Chúa vào lòng, con chẳng biết thưa gì với Chúa, chỉ biết nói mỗi câu: tạ ơn Chúa. Xin Chúa thánh hóa miệng lưỡi con, xin thánh hóa linh hồn và thể xác con, để con cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Amen.

Giuse Bùi Văn Toàn, FD (Gia đình con cái của Chúa)

Read 529 times

Last modified on Samstag, 22/10/2022