Print this page

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh


Ngày nay các vị nguyên thủ quốc gia, các vị bộ trưởng chính phủ các nước hay vùng miền thường hay có những cuộc họp thượng đỉnh bàn thảo về những việc thời sự chính trị kinh tế, nhất là khi có khủng hoảng xảy ra như hiện thời về bệnh dịch do vi trùng Corona gây ra đang lây lan truyền nhiễm đe dọa lan rộng khắp nơi trên thế giới.

Trong nếp sống đức tin đạo Công giáo cũng có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh không chỉ diễn trong dòng thời gian lịch sử Giáo hội Công giáo ở trần gian, như các Công đồng họp ở Vatican giữa Đức giáo hoàng và các Giám mục toàn cầu. Nhưng cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần thứ nhất đã diễn ra từ trước khi Giáo hội Chúa được thành lập ở trần gian cách đây hơn hai ngàn năm.

Đó là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Chúa Giêsu Kitô, Tiên Tri tổ phụ Mose và Tiên tri Elia.

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này đã diễn ra trên đỉnh núi cao Tabor bên nước Do Thái. Ngọn núi này cao 588 mét trên mực nước biển, tọa lạc ở vùng Galileo phía bắc nước Do Thái.

Ngay từ thời xa xưa hai ngàn năm trước Chúa giáng sinh, dân chúng vùng Canaan đã lập đền thờ kính Thần Baal của họ trên núi Tabor.

Theo sử sách và khoa khảo cổ từ thế kỷ 6. sau Chúa giáng sinh đã có ba thánh đường được xây dựng trên núi này, và đến thế kỷ thứ 9. có tới bốn thánh đường trên núi này.

Năm 1099 các Tu sĩ dòng Benedicto đã đến núi này thành lập cơ sở tu viện nhà Dòng. Nhưng sau đó bị xâm chiếm phá hủy. Sau những lần thay đổi chủ về phươmg diện chính trị tôn giáo giữa Hồi giáo và Thập tự quân thế kỷ 12, và 13. kéo dài, nên các cơ sở thánh đường cũng như tu viện bị phá hủy trở thành hoang vắng. Đến năm 1921-1923 các Tu sĩ dòng Phanxico đã đến đây xây dựng lại thánh đường to lớn nguy nga do Kỹ sư Anton Barluzzi vẽ thiết kế như có hiện nay.

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh của ba nhân vật trên núi Tabor đã sống trải qua con đường sa mạc hoang vu nói lên khía cạnh thiêng liêng con đường chịu đựng đau khổ trong hoang mang.

Tiên tri tổ phụ Mose là người được Thiên Chúa ủy thác trao cho nhiệm vụ dẫn dân Israel từ Aicập trở về quê hương đất nước Chúa hứa ban đã ròng rã đi trong sa mạc hoang vu 40 năm. Trong cuộc xuất hành này Mose đã phải leo lên núi Sinai gặp Thiên Chúa Giave, và Thiên Chúa tin tưởng trao cho Mose tấm bia 10 điều răn của Thiên Chúa làm giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel.

Con đường đời sống của Mose với dân Israel đi trong sa mạc là con đừơng sỏi đá leo lên xuống núi có nhiều nguy hiểm đau khổ, nhưng sự tin tưởng vào Thiên Chúa là con đường cứu rỗi dẫn đến đích điểm về tới quê hương Chúa hứa ban.

Trên núi Nebo gần vùng biến giới đất Chúa hứa ban, Tiên tri tổ phụ Mose đã được nhìn thấy trước mắt mình miền đất quê hương Thiên Chúa hứa cho dân Israel. Tuy Mose không được đặt chân vào vùng đất Chúa hứa ban, nhưng trước khi qua đời Mose đã cảm nhận ra rằng Thiên Chúa trung thành giữ lời hứa của Người, cho dù có những khi đời sống xảy ra hoàn toàn khác không như con người nghĩ tưởng mong chờ.

Tiên tri Elia, một vị tiên tri lớn của dân Israel, cũng đã sống trải kinh nghiệm tương tự. Vị tiên tri này một mình trung thành với Giave Thiên Chúa chống trả lại Thần Baal và những lễ nghi thờ kính thần ngoại gíao thời đó. Tiên tri Elia bị phản bội, ông phải đi trốn vào sa mạc, ông cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi. Nhưng sau cùng ông được Thiên Chúa nâng đỡ sai Thiên Thần đến cho ăn uống nuôi sống cho có sức khoẻ đi vượt đường xa đến núi Horeb gặp được Thiên Chúa nhìn thấy vinh quang của Người.

Qua đó Tiên tri Elia cảm nhận ra rằng Thiên Chúa đã luôn hướng dẫn đồng hành với mình cho vượt qua khỏi những thời lúc khó nặng nề cô đơn, những lúc mất sức lực nhuệ khí lòng can đảm.

Phúc âm không thuật lại cuộc đàm đạo của ba nhân vật trong cuộc gặp thượng đỉnh trên núi Tabor, họ đã nói gì với nhau. Nhưng có thể hiểu ra rằng, cũng tương tự giống như Mose và Elia đã sống trải qua, Chúa Giêsu cũng gặp hoàn cảnh chao đảo nghi nan về con đường chính thật đời sống với Thiên Chúa Cha trao cho mình: con đường thập gía hy sinh mạng sống vì phần rỗi linh hồn nhân loại.

Nơi cuộc gặp gỡ thượng đỉnh trên núi Tabor, Chúa Giesu đã nghe được tiếng Thiên Chúa Cha nói với mình như lời chứng nhận bảo đảm cho con đường đời sống: „Đây là con yêu dấu đẹp lòng Ta, hãy nghe lời người!“

Lời này là Chúa Giêsu cũng đã nhận được ngày lãnh nhận nước rửa tội ở bờ sông Jordan năm xưa, khi Chúa Giêsu được Ông Thánh Gioan tẩy giả làm phép rửa cho.

Lời của Thiên Chúa cha từ trời nói vọng xuống khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ngày xưa ở bờ sông Jordan là lời sai đi của Thiên Chúa Cha cho Chúa Giesu khởi đầu sứ mạng truyền giáo ở trần gian .

Và lời Thiên Chúa Cha nói trên núi Tabor là lời chứng nhận củng cố sai đi bước vào cuộc khổ nạn thương khó chịu khổ hình thập gía chịu chết.Và sau cùng Chúa Giêsu được sống lại mang ơn cứu rỗi cho linh hồn con người khỏi hình phạt tội tổ tông xưa.

Trên đỉnh núi Tabor cuộc gặp gỡ thượng đỉnh mang ý nghĩa tầm vóc cao cả quan trọng không phải ở nơi chốn trên núi cao, nhưng với ba nhân vật cao cấp nhất trong đạo Chúa Giêsu Kitô, Tiên tri tổ phụ Mose và Tiên tri Elia, và họ nói chuyện về việc cao cả thiêng liêng về kinh nghiệm đời sống đạo đức tin tưởng vào Thiên Chúa trong đời sống. (Phúc âm Thánh Mattheo 17, 1-9).

Mùa chay mời gọi con người suy nghĩ nhìn về con đường đời sống mình. Chắc chắn trong đời sống đã hay đang cùng sẽ có nhiều lần lâm vào hoàn cảnh gặp khó khăn đi trong hoang mang, bơ vơ, tưởng chừng như bị bỏ rơi.

Nhưng như Mose, Elia và Chúa Giêsu, chính trong những lúc khó khăn chao đảo nghi nan đó, Thiên Chúa luôn có mặt ra tay nâng đỡ cho có sức khoẻ nhuệ khí tỉnh vực dậy đi tiếp con đường đời sống vượt qua những thử thách hoang mang, như trong hoàn cảnh hiện tại vì bệnh dịch Covid 19 gây ra hoang mang chao đảo.

Thiên Chúa luôn trung thành không bỏ rơi ai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Read 1124 times

Last modified on Donnerstag, 05/03/2020