Print this page

Đời sống người cao niên tuổi già

Đời sống người cao niên tuổi già


Trong nếp sống truyền thống đức tin Công giáo có lễ mừng kính Ba Vua. Ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm, sau khi Chúa Giêsu sinh ra trên trần gian, họ đã vượt đường xa từ phương Đông tìm đến bái lạy thờ kính hài nhi Giêsu, vị Vua mới sinh tại hang đá Bethlehem bên nước Do Thái. (Phúc âm thánh Mattheo 2,1-12).

Phúc âm không nói đến tên tuổi của họ. Nhưng có nhiều truyền thuyết suy diễn nghiên cứu của các nhà lịch sử nhân văn cũng như Kinh Thánh. Một trong những suy diễn hiểu con số Ba nói chỉ về ba giai đoạn đời sống con người: thời tuổi trẻ, thời tuổi trung niên và thời tuổi gìa cao niên.

Đời sống con người luôn phát triển từ thời thơ ấu tuổi còn trẻ trung phấn khởi vươn lên cả thân thể cũng như tinh thần tâm trí. Thời tuổi cắp sách vở tới trường học khai mở tâm trí thu lượm kiến thức cho hướng về ngày mai.

Rồi sang đến thời kỳ tuổi đời trung niên năng lực khoẻ mạnh chững chạc chín muồi có nhiều sáng kiến năng động đạt được thành công đích điểm mong muốn. Thời tuổi lao động làm việc.

Và sau cùng bước sang thời kỳ cao niên tuổi gìa với nhiều kinh nghiệm khôn ngoan trong trường đời sống, sau khi đã trải qua nhiều uốn khúc lên xuống trong đời sống. Thời tuổi nghỉ hưu.

Mỗi giai đoạn đời sống, mỗi thế hệ con người có gía trị riêng và làm nền tảng nâng đỡ cho nhau.

Người trẻ, người tuổi trung niên cần người cao niên tuổi gìa, để học hỏi kinh nghiệm khôn ngoan đời sống.

Giai đoạn tuổi trung niên làm việc năng động mang đến thành tích xây dựng gia đình, xây dựng xã hội. Sức lực của họ là cột trụ nuôi sống con em thế hệ tuổi trẻ, kinh nghiệm họ thu lượm được là nền tảng cho đời sống phát triển, tài trí sức lức họ nâng đỡ thế hệ người tuổi gìa cao niên.

Người cao niên tuổi gìa cần thế hệ tuổi trẻ, cần thế hệ tuổi trung niên để được giúp đỡ thể lý cũng như tinh thần, nhất là niềm an ủi, niềm vui hạnh phúc. Vì thế hệ người trẻ tuổi khác gì bông hoa tươi nở mang đến sức sống hồn nhiên tươi thắm cho con người.

Cứ nhìn xem trong một gia đình khi ba thế hệ Ông Bà, cha mẹ, con cháu cùng sống trong liên đới có nhau, hay nhìn những người trẻ chăm sóc những người già cao niên trong các nhà hưu dưỡng, liền nhận ra niềm an ủi, niềm vui hạnh phúc thế nào cho người già cao niên, cùng sự cần thiết phải có nhau như thế nào.

Hình ảnh người con cháu nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ ông bà với cả trái tim tấm lòng biết ơn yêu mến, lúc họ bước vào tuổi cao niên tuổi gìa sức khoẻ yếu kém, thật không gì đẹp hơn, sống động hơn cùng cảm động hơn. Và điều này nói lên sự thành công đời sống gia đình, thành công đời sống giữa con người với nhau, cùng là thể hiện nếp sống lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà cha mẹ tuổi gìa cao niên.

Ngày nay đời sống trong xã hội phát triển có nhiều hoàn cảnh biến chuyển thay đổi, nhất là bên xã hội các nước kỹ nghệ tân tiến, sự chung sống ba thế hệ trong gia đình với nhau còn rất hiếm hoi. Cha mẹ gìa cao niên thường sống với nhau trong ngôi nhà riêng. Giải pháp đưa cha mẹ gìa vào nhà hưu dưỡng ở một mình cô đơn là giải pháp bắt đắc dĩ phải chấp nhận. Và con cháu khi có cơ hội vẫn đến thăm viếng họ thể hiện tình liên đới lòng yêu mến luôn nhớ tới nhau.

Mùa bệnh đại dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ đời sống con người trên hoàn cầu năm 2020 qúa trầm trọng. Nên mọi người phải sống cách ly xa nhau để bảo vệ phòng ngừa vi trùng bệnh dịch lây lan truyền nhiễm.

Những người gìa cao niên phải sống biệt lập ở nhà, hay trong nhà hưu dưỡng. Con cháu, người thân không thể đến thăm hỏi nhau như trước được. Hoàn cảnh này làm cho hai bên nhớ nhau, nhất là gây ra sự buồn tủi cô đơn cho người cao niên tuổi gìa. Họ nhớ con cháu, nhớ người thân không đến thăm. Và tình tự cảm thấy như bị bỏ rơi cuộn trào lên mãnh liệt.

Thời kỳ bệnh đại dịch nhiều người gìa cao niên đã qua đời trong cô đơn không có thân nhân bên cạnh, không ai từ biệt. Đây là một hình ảnh thảm sầu đau buồn qúa thương tâm.

Con người hầu như ai cũng muốn sống đạt được tới tuổi thọ cao niên. Nhưng ai cũng sợ cuộc sống lúc tuổi gìa. Vì càng thêm tuổi tuy trường đời từng trải khôn ngoan kinh nghiệm đời sống gặt hái có nhiều. Nhưng bệnh tật cũng xảy đến nhiều thêm. Rồi sức lực gân cốt yếu kém xuống dần, cả sức khoẻ tinh thần tâm trí cũng suy giảm theo, nên dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào giúp đỡ của người khác. Vì thế họ sợ cảnh sống cảm thấy như gánh nặng, như dư thừa, cùng có khi cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi…

Hơn khi nào hết lúc đó họ cần sự chăm sóc nâng đỡ an ủi, cần tình người, cần đời sống tâm linh.

Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói lên tâm tình mục vụ hay đúng hơn lời kêu gọi về cung cách sống đối xử với thế hệ những người cao niên tuổi gìa:

“Lạy Chúa, xin đừng vứt bỏ con lúc tuổi già; đừng bỏ rơi con lúc con đã lực tàn sức yếu” (Tv 71:9).

Đó là lời van xin của người cao niên, sợ bị quên lãng và từ bỏ. Như Thiên Chúa đã yêu cầu ta trở thành phương thế để Người nghe thấy tiếng than của người nghèo thế nào, Người cũng muốn ta nghe tiếng kêu của người cao niên như vậy (211). Điều này nói lên một thách đố cho các gia đình và cộng đồng, vì “Giáo Hội không thể và không muốn sống theo não trạng nôn nóng, nhất là não trạng dửng dưng và khinh miệt, đối với tuổi già. Ta phải đánh thức một lần nữa cảm thức biết ơn, biết đánh giá cao, biết hiếu khách một cách tập thể nhằm làm cho người cao niên cảm thấy như đang là thành phần sống động của cộng đồng.

Các người cao niên của chúng ta đều là những người đàn ông đàn bà, những người cha người mẹ, đến trước chúng ta trên chính con đường ta đang đi, trong chính căn nhà ta đang ở, trong cuộc đấu tranh hàng ngày của ta để có được một cuộc sống đáng sống” (212).


Thực thế, “Tôi sẽ yêu thương xiết bao một Giáo Hội biết thách thức nền văn hóa vứt bỏ bằng một niềm vui tràn trề của cái ôm mới giữa người trẻ và người già!” (213).“ (Đức giáo hoàng Phanxico, Thông điệp Amoris Laetitia, số 191.).

Tâm hồn đặt tin tưởng cậy trông nơi Thiên Chúa, như vua thánh David đã thốt lên tâm tình cầu nguyện:

„Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,
lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con,
để con tường thuật quyền năng của Chúa
cho thế hệ này được rõ,
và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau.“ (Thánh vịnh 71, 18)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Read 1137 times

Last modified on Freitag, 13/11/2020