Print this page

Hình ảnh cuộc gặp gỡ trên đỉnh núi cao

Hình ảnh cuộc gặp gỡ trên đỉnh núi cao

Những cuộc họp thượng đỉnh giữa chính phủ các quốc gia đất nước, giữa các khối liên hội đoàn…thường được tổ chức với những vị trách nhiệm đứng đầu ngày càng cần thiết, để cùng nhau thảo luận về một cung cách sinh hoạt chung với nhau, và giảm bớt như có thể những trái ngược gây ra hiểu lầm hay thiệt hại cho nhau!

Trong nếp sống tinh thần đức tin có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh không?

Từ mấy thập niên nay, sau thời Công đồng Vaticanô 2. đã có những cuộc gặp gỡ liên tôn giáo giữa các vị chức sắc đứng đầu các tôn giáo trên bình diện các nước trên thế giới. Các Vị gặp nhau trong tình huynh đệ cùng nhau cầu nguyện chung, cùng tìm hiểu tôn trọng xích lại gần nhau, nhất là cùng xây dựng nếp sống hoà bình giữa nhau, dù có những khác biệt về niềm tin, về cung cách con đường thực hành niềm tin…

Ngày xưa Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xuống trần gian làm người cũng đã có cuộc gặp gỡ ở trên đỉnh núi cao, ngọn núi Tabor bên nước Do Thái với hai vị chức sắc Thánh thời Cựu ước trước Chúa Giêsu, như kinh thánh viết thuật lại. (Mt 17,1-8)

”Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.4 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.7 Bấy giờ, Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!”8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.”

Phúc âm nói đến con số sáu “Sáu ngày sau”. Trong bài tường thuật về sáng tạo trời đất, thú vật, cây cỏ và con người, Thiên Chúa sáng tạo xây dựng công trình trong sáu ngày. Con số sáu là con số kinh thánh, và con người được Thiên Chúa tạo dựng nên vào ngày thứ sáu, ngày cao điểm của công trình sáng tạo thiên nhiên, và con người cũng là triều thiên cao điểm của công trình sáng tạo.

Sáu ngày trước cuộc gặp gỡ trên núi cao Tabor cùng với ba Tông đồ Phero, Giacobe và Gioan, Tông đồ Phero đã tuyên xưng đức tin với Chúa Giêsu ”Thầy là Đức kitô Con Thiên Chúa hằng sống!” (Mt 16,16).

Như thế với thông tin về thời gian nói lên cuộc gặp gỡ biến hình của Chúa Giêsu quy hướng vào bản tính thiên chúa (thiên tính) của Chúa Giêsu cùng nói lên sự linh thiêng cao cả.

Chúa Giêsu cùng với ba Tông đồ lên một ngọn núi cao. Phúc âm không nói đến tên ngọn núi, nhưng thời cựu ứơc đã nói đến tên ngọn núi Tabor (sách Thẩm Phán 4-5) và Thánh Vịnh 89,13 đã nói đến ngọn núi Tabor là ngọn núi thánh của Thiên Chúa.

Ngay từ thế kỷ 4. sau Chúa Giêsu, khi nghiên cứu địa lý kinh thánh Đức giám mục Cyillo thành Jerusalem (+386) đã qủa quyết ngọn núi Chúa Giêsu lên gặp gỡ biến hình là núi Tabor. Ngày nay đến hành hương lên núi Tabor cao 588 mét ở miền bắc nước Do Thái vùng Galiliee, có thánh đường lớn với ba khung cửa phía mặt tiền do Dòng Phanxicô xây dựng năm 1924 trên nền hoang tàn để nát dấu vết còn xót lại của những đền thờ, tu viện thời xa xưa đã xây dựng ở đây.

Ngọn núi cao xưa nay là hình ảnh nơi chốn gần gũi với Thiên Chúa. Trong cuộc đời Chúa Giêsu ở trần gian cũng đã sống trải qua nơi những ngọn núi: núi cám dỗ, núi bài giảng Tám mối phúc thật, núi Golgotha, nơi Ngài bị đóng đinh vào thập giá, và sau cùng cũng trở về trời từ đỉnh núi Sion.

Trên đỉnh núi khi biến hình áo của Chúa Giêsu trở nên trắng tinh sáng chói. Tấm áo mầu trắng nói lên sự trong sạch tinh tuyền cùng niềm vui mừng, ánh sáng mầu trắng trong thấu suốt.

Thánh Gioan tông đồ trong sách Khải Huyền trong những thị kiến trên trời đã nói đến ”Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng” (KH 3,5), “Bấy giờ mỗi người trong số họ đã được lãnh một áo trắng…”. (Kh 6,11). Đó đây cũng bắt gặp hình tượng các vị Thiên Thần của Chúa có phẩm phục mầu trắng. Và ngày nhận lãnh làn nước Bí tích Rửa tội, em bé hay người lớn được rửa tội cũng khoác mặc áo mầu trắng.

Hình tượng Chúa Giêsu Kitô phục sinh được khắc vẽ với y phục mầu trắng sáng chói như tuyết. Lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh và trong suốt 40 ngày sau lễ mừng cho đến lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, phẩm phục phụng vụ trong thánh lễ là mầu trắng.

Trong Kinh Tin Kính có câu tuyên xưng về Chúa Giêsu Kitô ”Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng” diễn tả mầu ánh sáng trắng trong tinh tuyền phát ra từ nơi Ngài.

Cuộc biến hình gặp gỡ thượng đỉnh không chỉ ở trên đỉnh ngọn núi cao, nhưng còn có hai vị cao cả thời Cựu ước trước Chúa Giêsu cùng hiện đến đàm đạo với Ngài nữa: Tiên tri Mose và Tiên tri Elija (Mt 17,3).

Hai vị Tiên tri thời Cựu ước xa xưa trong Do Thái giáo là hai vị chức sắc lãnh đạo hàng đầu dân Thiên Chúa. Các Vị không còn trên trần gian nữa. Tiên tri Mose đã qua đời trên đường dẫn dân Do Thái trở về quê hương Do Thái từ đất nước Ai Cập (Sách dân số 34,10). Tiên tri Elija đã được Thiên Chúa cho cỡi xe có lửa cháy sáng rực trở về trời (2 Các Vua 2,11). Hai Vị Tiên tri lãnh đạo hàng đầu này là những vị gần gũi với Thiên Chúa cách khác thường đặc biệt.

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa khai mở thời tân ước, cùng đàm đạo với hai Vị tiên tri chức sắc hàng đầu, thời Cựu ước qúa khứ đã qua, nhưng có vị trí chỗ đứng sát gần Thiên Chúa, nói lên sự liên tục trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa cho con người trên trần gian.

Và Thiên Chúa qua Chúa Giesu Kitô trong dòng lịch sử thời gian nhân loại luôn gần bên con người nơi Lời giảng dậy, sự hy sinh dấn thân chịu chết và sống lại của Người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Read 437 times

Last modified on Donnerstag, 02/03/2023