Print this page

Bài giảng của cha Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT Hà Nội trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hoà bình, 20 giờ 00, ngày 27.05.2018

Bài giảng của cha Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT Hà Nội trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hoà bình, 20 giờ 00, ngày 27.05.2018

Ông bà và anh chị em thân mến,

Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta vẫn tuyên xưng đức tin này mỗi khi chúng ta đưa tay lên làm Dấu Thánh Giá hằng ngày. Đây là một mầu nhiệm mà chính Chúa Giêsu mặc khải, nói cho chúng ta biết mà Tin Mừng Theo Thánh Matthêu hôm nay thuật lại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(x.Mt 28,19).

Bởi là một mầu nhiệm nên vượt quá trí hiểu nhỏ bé, hạn hẹp của con người, của chúng ta. Nhưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi lại bày tỏ ra trong nhân loại cách rất cụ thể. Đó là sự hiệp thông, liên kết của ba ngôi vị Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vì con người và vì hạnh phúc, ơn cứu độ con người. Chúa Cha, Đấng tạo dựng vạn vật vũ trụ vì con người, cho con người. Chúa Con xuống thế làm người, chết và sống lại để cứu con người; Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa con người, để con người hành động theo lương tâm ngay thẳng, để con người đi trong công bình, bác ái, sự thật hầu con người đạt đến ơn cứu độ.

Hôm nay như thường lệ, thánh lễ lúc 20 giờ ngày Chúa Nhật cuối tháng, chúng ta họp nhau đây để tôn vinh Thiên Chúa và cầu nguyện cách riêng cho quê hương đất nước chúng ta.

Hơn bao giờ hết, trong thời khắc này, chúng ta được mời gọi hướng về Chúa Ba Ngôi, mà hợp nhất với nhau lên tiếng, thúc đẩy, hành động vì hạnh phúc của con người, của chính chúng ta, các thế hệ con em và của anh chị em chúng ta. Hạnh phúc với tất cả phẩm giá của con người mà chính Chúa Ba Ngôi đã ban, đã muốn chúng ta có khi tạo dựng nên chúng ta, khi cho chúng ta có mặt trên trần gian này.
Thưa anh chị em,

Vào cuối thế kỷ VIII trước Chúa Giêsu, vương quốc Israel có vẻ rất phồn thịnh. Người có ít tài sản đã bán sạch, và của cải nằm trong tay một số ít người giầu có, trong khi ngày càng có thêm nhiều người nghèo.

Trong bối cảnh đó, Thiên Chúa đã sai Amos, một người chăn cừu ở Belem làm ngôn sứ để nói lời của Thiên Chúa.
Vị ngôn sứ bắt đầu rong ruổi qua các thành của Israel, lên tiếng tố cáo những sự bất công trong xã hội, cũng như một tôn giáo chỉ bằng lòng với những thực hành bên ngoài (x.Dẫn nhập sách Amos)

Amos đã nói lên sự thật trong xã hội Israel bấy giờ: “Chúng bán người công chính để lấy tiền. Bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giầy. Vì chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen, và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ…” (x.As 2, 6-7).

Những đền đài và dinh thự được dựng nên do sự bóc lột người nghèo, tạo nên hố sâu khoảng cách giữa người giầu và người nghèo sẽ bị quân thù tàn phá:

Lời của Amos: “Những kẻ chất đống trong lâu đài của mình, của cải do áp bức và cưỡng đoạt, chúng nào biết sống ngay thẳng là gì. Vì thế, Đức Chúa phán: Quân thù sẽ bao vây lãnh thổ, sẽ triệt hạ sức mạnh của ngươi, và đền đài của ngươi sẽ bị cướp phá”(x.As 3,10-11)

Bên cạnh đó, một thứ tôn giáo chỉ bằng lòng với những lễ hội bên ngoài, Amos đã nói lên lời của Đức Chúa: “Lễ lạt các ngươi, Ta chán ghét khinh thường, hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu, những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi. Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.” (x.As 5, 21-24)

Như Israel xưa, xã hội Việt Nam hiện tại có vẻ phồn thịnh, nhưng thực chất nó đang mục rỗng: “người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giầu sang dối gian”và nguy cơ bị thôn tính bởi Trung cộng.

Chỉ qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã nghe thấy tiếng ai oán vang lên khắp các tỉnh thành vì mất đất, mất nhà cửa ruộng vườn. Rong ruổi cơ quan này, phòng tiếp dân kia mà cứ mỏi mòn chờ đợi qua năm này đến năm khác. Gia đình ly tán, người già khổ cực, thanh thiếu niên không tương lai. Có những trường hợp cùng cuỗn tự thiêu, chẳng màng chi danh giá: lột đồ, xích chân, cùm tay để phản đối quân áp bức. Rồi có trường hợp bất chấp cảnh tù đầy, lấy sức mỏng, đứng lên chống lại tà quyền hùng hậu.

Các cơ sở tôn giáo cũng lần lượt trở thành nạn nhân của nạn tham nhũng đất đai. Tòa Khâm Sứ Hà Nội, Thái Hà cách đây đúng 10 năm là bằng chứng. Dòng Thánh Phaolô Hà Nội, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Đan viện Thiên An tại Huế. Một số xứ Đạo từ Bắc chí Nam, rồi các cơ sở tôn giáo khác cũng lần lượt trở thành nạn nhân. Và việc đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai cho thấy dấu hiệu của một xã hội suy tàn đến cùng cực (x.bài viết của Chân Hồ trên trithucvn.net, tháng 04.2018)

Mấy ngày qua, thông tin về chủ quyền biển đảo làm cho người Việt lo ngại: Trên đất liền, khách du lịch Trung Quốc mặc áo với hình lưỡi bò vào Việt Nam cách tự do, nhưng rồi ông Tổng cục trưởng có trách nhiệm giải trình lại cho là ‘sự cố nhỏ’ và “không để những sự cố nhỏ như thế ảnh hưởng tới đại cục”(x. nld.com.vn, ngày 20.5.2018).

Ngoài biển, Trung cộng đang triển khai quân sự trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, đảo Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tàu cá Trung Quốc tiến sâu vào vùng biển Việt Nam, thậm chí còn đánh đuổi, cướp tài sản của ngư dân Việt. Nhiều vụ hàng chục tàu cá Trung Quốc vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, chỉ cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 30 hải lý, nghĩa là khoảng 55 km. (x.vnexpress.net, ngày 23.5.2018).

Qua lời cầu nguyện hôm nay, chúng ta được mời gọi ý thức hợp nhất noi gương Ba Ngôi Thiên Chúa mà nghĩ đến hạnh phúc, tương lai của dân Việt, chứ đừng chỉ vì quyền lợi cá nhân mà bưng tai, bịp mắt, thờ ơ, nhát đảm để cho quê hương này, dân tộc này cứ mãi vang lên tiến bi ai của người cùng khổ, của cảnh đất liền, biển đảo cứ mỗi ngày rơi vào tay ngoại bang.

Hồi giữa năm 2014, khi Trung cộng đưa dàn khoan HD-981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại vào xâm chiếm, hoạt động trong vùng biển đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, khi đó Đức cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc là chủ tịch đã ra một văn thư về tình hình Biển Đông. Trong đó các ngài nhấn mạnh lập trường xây dựng hòa bình, phản đối chiến tranh. Tuy vậy, các ngài cũng yêu cầu “Chính phủ Việt Nam, phải có lập trường kiên định, lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc”. Và cho rằng, “những thỏa ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai đảng cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại lợi ích cho dân nước, mà còn đưa đất nước rơi vào tình trạng lâm nguy” (x. V/v: Tình Hình Biển Đông, 09/05/2014).

Thánh Phaolô trong Bài đọc thứ 2 chúng ta vừa nghe nói với các tín hữu tại Rôma cũng là nói với chúng ta hôm nay: “Anh em đã không nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử”(x.Rm 8,15).

Trở thành Kitô hữu nghĩa là trở thành con cái trong Ba Ngôi Thiên Chúa – Ba Ngôi nhưng là một, luôn hành động vì sự sống đích thực của con người và luôn khắc khoải vì hạnh phúc của con người.

Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Ba Ngôi Thiên Chúa cho chúng ta biết cộng tác với nhau, cộng tác với những anh chị em thành tâm thiện chí, lên tiếng, thúc đẩy, hành động vì tự do, công bằng, bác ái và vì một Việt Nam mà Chúa đã ban cho chúng ta làm quê hương trần thế này. Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT Hà Nội

 

Read 1963 times

Last modified on Freitag, 01/06/2018