Print this page

Nhận xét đầy an ủi của chuyên gia: Khủng bố không có ý định tấn công Đức Giáo Hoàng tại Iraq

Nhận xét đầy an ủi của chuyên gia: Khủng bố không có ý định tấn công Đức Giáo Hoàng tại Iraq


Trước thềm chuyến tông du của Đức Thánh Cha nữ ký giả Inés San Martín của tờ Crux, là người sẽ tháp tùng Đức Thánh Cha trên chuyến bay sang Baghdad có bài nhận định sau.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Iraq vào chiều thứ Sáu, khi ngài hạ cánh xuống Baghdad sau chuyến bay kéo dài bốn giờ từ Rôma.

Giữa nguy cơ khủng bố và đại dịch COVID-19 toàn cầu, nhiều người đã tự hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng không hoãn chuyến đi.

“Tôi không giấu giếm các bạn sự thật rằng tôi lo ngại cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng”, blogger lịch sử đã trở thành phóng viên chiến trường lừng danh trong thời gian bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được Mosul, Omar Mohammed cho biết như trên. Anh là người đã viết các tường trình hàng ngày từ Mosul trong khi thành phố của anh bị ISIS chiếm đóng. Anh không tin các nhóm phiến quân thân Iran sẽ gây tổn hại cho Đức Giáo Hoàng bất kể là các nhóm phiến quân này vừa bắn hàng chục quả hoả tiễn vào căn cứ không quân Al Asad của liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo, ở tỉnh Anbar miền Tây Iraq, cách thủ đô Baghdad 243km.

“Tôi lo ngại rằng các lực lượng dân quân thân Iran sẽ sử dụng chuyến thăm, cũng như cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng với Ayatollah Ali al-Sistani như một cái cớ để biện minh cho tội ác của họ ở Iraq”, anh nói.

Người đàn ông đứng sau Mosul Eye, một blog mà anh ta vẫn đang điều hành, đã liều mạng hàng ngày để cho cả thế giới biết chuyện gì đang xảy ra, cho biết anh ta sẽ tiếp tục tố cáo các tội ác chống nhân loại dù là do hệ phái Hồi Giáo nào gây ra.

“Tôi tin rằng tôi đã không liều mạng đủ, ngay cả khi tôi vẫn gặp rủi ro”, anh nói với tờ Crux từ một địa điểm Âu Châu không được tiết lộ. “Nhưng có hơn 18 triệu người dưới 25 tuổi ở Iraq, và họ xứng đáng với mọi sự hy sinh. Chúa Giêsu chết khi còn rất trẻ vì Ngài tin vào sự hy sinh bản thân để nhân loại được tồn tại. Tôi đồng ý với điều này”.

Trong tổng số 39 triệu 650,000 dân Iraq; người Hồi Giáo chiếm đến 99% dân số; trong đó 59% theo Hồi Giáo Shiite /si-ai/; 40% theo Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, tại Mosul người Hồi Giáo Sunni chiếm đa số. Sau khi tổng thống Saddam Hussein, một người Hồi Giáo Sunni, bị Hoa Kỳ lật đổ vào tháng Tư năm 2003, người Hồi Giáo Sunni tại Mosul thường không coi chính quyền Baghdad, với đa số các thành viên theo Hồi Giáo Shiite /si-ai/ là những người đại diện cho mình. Theo ước lượng của lực lượng cảnh sát liên bang Iraq, là một trong các lực lượng tinh nhuệ tham chiến tại Mosul và đang điều hành việc vãn hồi an ninh tại thành phố này, ít nhất 15% dân số Mosul đã theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chính vì thế, trong cuộc tổng tấn công giải phóng Mosul vào đầu năm 2017, 16,000 quân tình nguyện của người Hồi giáo Shiite /si-ai/ được Iran ủng hộ đã bị cấm không được vào thành Mosul vì lo ngại họ sẽ tắm máu người Hồi Giáo Sunni. Sau chiến thắng Mosul, các lực lượng dân quân thân Iran vẫn tồn tại và gây ra nhiều tội ác chống lại các tín hữu Kitô và đặc biệt là người Hồi Giáo Sunni.

Mohammed không phải là một Kitô hữu, nhưng anh thừa nhận “Tôi yêu mến Đức Giáo Hoàng, tôi theo dõi ngài mỗi ngày, và khi tôi nói với các bạn về ngài, tôi rưng rưng nước mắt. Ngài đang đi đến thành phố của tôi, một thành phố mà tôi không thể quay trở lại. Và những lời của ngài là sự xoa dịu trái tim tôi: Tình yêu, tự bản chất của nó, là sáng tạo. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn, mà trái tim và tâm hồn bị tổn thương sâu sắc của chúng tôi đang rất cần”.

Theo Sangar Kahleel, một người Kurd gốc Erbil sinh ra ở Mosul, người làm công việc sửa chữa cho các hãng thông tấn quốc tế, đúng là có rất nhiều rủi ro trước chuyến thăm.

“Nhưng chúng tôi với tư cách là những người Iraq thực sự đánh giá cao chuyến thăm lịch sử này của Đức Giáo Hoàng”, anh nói với tờ Crux. “Tôi nghĩ ngài đang đến để gieo mầm hòa bình trên đất nước này, một điều thực sự xứng đáng. Chúng tôi cũng hy vọng rằng các Kitô hữu sẽ tìm thấy sức mạnh và sự ổn định sau chuyến thăm, vì số lượng Kitô hữu sống ở đây giảm xuống mỗi tháng”.

Kahleel cho biết người dân Iraq đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến đi của Đức Giáo Hoàng.

“Chúng tôi hy vọng rằng với chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, hòa bình sẽ được xây dựng giữa tất cả mọi người ở Iraq, vì vậy chúng tôi có thể quay trở lại với những ngày tuyệt vời khi tất cả chúng tôi sống chung hài hòa với nhau, yêu thương lẫn nhau và không có sự khác biệt giữa các sắc tộc”, anh nói.

Alberto Miguel Fernandez, một cựu quan chức ngoại giao người Mỹ gốc Cuba, hiện là phó chủ tịch của Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông, cho biết Iraq là một quốc gia đang ở trong một “cuộc khủng hoảng cực độ sâu sắc, theo mọi nghĩa của từ này: khủng hoảng cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Nhưng điều này đã xảy ra trong nhiều năm. Tôi tin rằng việc Đức Thánh Cha ra đi trong thời điểm này là hợp lý và vô cùng tốt. Đó là một chuyến đi cần rất nhiều dũng khí và tinh thần đoàn kết”.

Về mối đe dọa COVID, ông lưu ý rằng gần đây nhất là vào đầu tháng Hai, Iraq đã chào đón người đứng đầu ngành tư pháp của Iran, một giáo sĩ, và là người đã tổ chức một số cuộc họp tôn giáo lớn với “sự tham dự đông đảo”.

Coronavirus là một thực tế ở Iraq, “một thảm họa lớn, nhưng tôi đọc được tiếng Ả Rập và nhận ra được sự quan tâm lớn, không chỉ từ các tín hữu Kitô, mà còn từ những người Hồi giáo, trong chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Tôi thấy thật kỳ lạ khi người nước ngoài phàn nàn về nguy cơ lan truyền COVID ở Iraq trong khi người dân địa phương quá phấn khích trước chuyến tông du này”.

Giống như Mohammed và Kahleel, nhà ngoại giao có nhiều lý do để bảo vệ thời gian cho chuyến đi, bao gồm cả tương lai của Kitô hữu ở Iraq.

“Thực tế là các cộng đoàn Kitô hữu ở Iraq đang trong một cuộc khủng hoảng ngay bây giờ”, Fernandez nói. “Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng ngày hôm nay để hỗ trợ cộng đồng vốn bị vùi dập rất nhều này vì nhiều lý do khác nhau, không chỉ vì những trò khủng bố của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, mà còn có những trò phá phách của các lực lượng dân quân, những mafias này, hay các đảng phái tôn giáo có liên hệ với Iran thực sự ảnh hưởng đến sự tồn vong của Kitô hữu, chuyến tông du này thực sự đáng khích lệ”.

“Tôi tin rằng đây là một thời điểm rất thích hợp cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha”, ông nói. “ Về mặt chính trị, ngày nay cấp bách và kịp thời hơn so với sáu tháng hoặc một năm kể từ bây giờ. Bởi vì sau đó câu hỏi trở thành, liệu cộng đồng Kitô Giáo có thể tồn tại lâu như vậy không nếu không có sự khuyến khích của Đức Thánh Cha?”

Vấn đề mà các Kitô hữu phải đối mặt ở Iraq có liên quan đến hai điều: Tình hình an ninh và sự tồn tại kinh tế của các cộng đồng này. Ngày nay, họ không có bất kỳ an ninh nào: Khi đến Qaraqosh, Đức Phanxicô sẽ đến thăm nhà thờ lớn nhất ở Iraq trong một vùng đồng bằng Ninivê, với lịch sử gắn liền với Kitô Giáo. Tuy nhiên, ngày nay, có những dân quân Shiite /si-ai/ thân Iran tấn công vùng đồng bằng này mỗi ngày.

“Những gì mà bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã làm trước đây là những gì các lực lượng dân quân đang làm ngày hôm nay”, Fernandez nói với tờ Crux. “Họ là những biệt đội tử thần, và không chỉ chống lại Kitô hữu, mà còn chống lại cả người Hồi giáo Sunni”.

Đức Phanxicô cũng sẽ đến thăm Ur, gần Nasiriyah, một thành phố ở phía nam đất nước, nơi các dân quân và các lực lượng an ninh đang ám sát những người Hồi giáo Shiite /si-ai/ trẻ tuổi dám phản đối chính phủ.

Các cuộc biểu tình này cũng đã được nhân rộng ở Baghdad, thủ đô của đất nước và các bức ảnh cho thấy hàng nghìn người tụ tập vào cuối tuần bất chấp lệnh giới nghiêm vì COVID-19 để biểu tình chống lại sự tham nhũng của chính phủ và sự trì trệ kinh tế.

Fernandez nhận định rằng ngoài việc mang lại hy vọng cho cộng đồng Kitô hữu, Đức Giáo Hoàng cũng có thể mang lại hy vọng cho phần lớn những người Hồi giáo ủng hộ việc sống chung với những người theo các tín ngưỡng khác.

“Bạn sẽ thấy một công chúng rất quan tâm đến thông điệp nói rằng vâng, tôi ở đây vì các tín hữu Kitô ở Iraq, nhưng tôi cũng ở đây để bày tỏ tình đoàn kết của mình với tất cả người dân Iraq, tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo, những người đang đau khổ vì bị bần cùng hóa, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị áp bức”, ông nói.

Linh mục Đaminh Olivier Poquillon lưu ý “có một số bất ổn và một số điểm yếu trong hệ thống, nhưng tình hình an ninh không tệ hơn trước đây”.

Ngài nói với tờ Crux rằng ở Trung Đông, khi một người ngưỡng mộ một người khác, họ không mời người ấy đến thăm, giống như tổng thống Hoa Kỳ đã làm khi ông ấy mời ai đó đến Tòa Bạch Ốc. Ở Trung Đông chúng tôi, ngưỡng mộ ai thì mình đi thăm người đó.

“Và nếu một thành viên trong gia đình bạn đang đau khổ, thì bổn phận xã hội là phải đến thăm người đó”, vị linh mục dòng Đa Minh giải thích. “Và khi đến thăm Iraq, một thành viên đau khổ của gia đình nhân loại, Đức Giáo Hoàng đang làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại”.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

 

Read 1249 times

Last modified on Freitag, 05/03/2021