Hình ảnh mạch nước hằng sống
Hằng năm người tín hữu Do Thái giáo cử hành long trọng lễ Lều Trại, tiếng Do Thái: Sukkot. Lễ này là lễ tạ ơn cầu mùa, mừng vào khoảng tháng Chín hay tháng Mười dương lịch, sau mùa thu hoạch ngoài đồng ruộng.
Ngày lễ trọng này được ghi viết thành luật lệ trong Kinh Thánh Cựu ước từ thời thánh tiên tri Mose: “Ngươi cũng sẽ giữ tục lệ mừng Mùa gặt, lễ dâng của đầu mùa do sức lao động ngươi làm ra, do công người gieo cấy ngoài đồng, rồi ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Thu hoạch vào cuối năm, khi ngươi thu hoạch hoa màu ngoài đồng ngươi đã làm ra.” (Sách Xuất hành 23,16).
Lễ Lều trại cũng nhắc nhớ tới biến cố xuất hành từ nước Ai Cập trở về quê hương đất nước Do Thái, như sách Leviticus ghi lại. (Leviticus 23,43).
Lễ Lều Trại là lễ niềm vui mừng về ân đức tặng phẩm cuộn sách Thora – Sách Kinh Thánh, mà Thiên Chúa Giave ban cho. Cuộn sách Thora với người Do Thái là cây nguồn sự sống.
Lễ mừng Lều Trại được cử hành ở đền thờ Jerusalem bẩy ngày liền.
Lễ mừng Lều Trại có nhiều nghi thức. Nhưng vào ngày mừng lễ cuối cùng, ngày mừng lễ thứ bẩy, các Thầy cả bước đi theo cung cách rước long trọng bẩy bước với bình nước, mà họ kín múc từ dòng suối Siloach bên cạnh đền thờ, mang đến tưới gội lên bàn thờ tế lễ trong đền thờ. Nghi thức này diễn tả tâm tình nước, tặng vật qúi báu do Thiên Chuá tạo dựng ban cho trần gian, là nguồn mạch sức sống cho đất đai cây cối hoa mầu phát triển mang lại mùa thu hoạch thành công tốt đẹp, cho sự sống mọi loài trong vũ trụ được gìn giữ phát triển tươi tốt.
Chúa Giêsu Kitô là người Do Thái nên ngài cũng tham dự mừng lễ Lều Trại như bao người khác. Phúc âm Thánh Gioan thuật lại Chúa Giêsu từ miền Galilea phía Bắc nước Do Thái, lên đường tới Jerusalem mừng lễ Lều Trại.
Thánh sử Gioan thuật lại lời nói về hình ảnh nước từ môi miệng Chúa Giêsu, có nguồn gốc từ nghi thức vào ngày cuối cùng mừng lễ Lều Trại, ngày mừng lễ thứ bẩy.
Nơi đền thờ Jerusalem vào dịp lễ trọng đại này, Chúa Giêsu đã nói đến ý nghĩa của lễ Lều Trại quy hướng về chính bản thân ngài. Ngài nói đến mạch nước hằng sống: “Ai khát hãy đến cùng Ta. Ai tin vào Ta hãy đến mà uống.” (Phúc âm thánh Gioan 7,37-38).
Lời kêu mời của Chúa Giêsu hãy đến với Ngài để kín múc nguồn mạch nước hằng sống diễn tả hình ảnh về Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn an ủi trợ giúp cho đời sống nội tâm tinh thần tâm hồn con người.
Dòng nước chẩy mang lại sự sống chỉ về Đức Chúa Thánh Thần, và cũng vẽ lên hình ảnh Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống do Thiên Chúa tuôn đổ Thần linh sự sống của Người xuống trần gian.
Sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu là điều kiện căn bản cho Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, như dòng suối nước được tuôn đổ sai đến trần gian.
Trong dòng thời gian lich sử nhân loại, nơi nhiều Tôn giáo Nước là hình ảnh dấu chỉ tinh thần về khát vọng căn bản của con người. Qua làn nước, con người có những cảm nghiệm:
1. Họ khám phá ra dòng nước chảy có khác chi những cách thế sống khác nhau, tìm lối hướng về tự do.
2. Nước mang đến nguồn sống tươi mát, đổi mới, gột bỏ những gì là cũ, là gìa nua vì bị tiêu dùng hao mòn.
3. Được tắm rửa trong nước, chính là giũ sạch những vẩn bụi đè nặng tâm hồn và thân xác, vướng trở cho đời sống.
4. Qua làn nước chảy, họ cảm nghiệm được đời sống cũng trôi đi như dòng nước, để tìm đến một đời sống thật.
5. Đời con người cũng như dòng nước chảy. Họ cảm thấy mình không đứng vững trên một nền tảng. Bởi vì thấy mình bị những bóng tối sự dữ đe dọa. Thấy mình là người bất lực trước những sức mạnh đang bao trùm xung quanh. Và vì thế họ đi tìm sức trợ giúp, như điểm tựa cho đời sống. (xx Dieter Emeis, Sakramentenkatechese, Herder Verlag, Freiburg i. Br. 1991, tr. 69)
Trong đời sống con người luôn cần đến dòng nước mang lại sự sống: nước uống hằng ngày cho các bộ phận cơ quan thân thể có sức sống hoạt động luân chuyển tiêu hóa, cùng cả dòng nước thần linh mang sức sống phấn khởi vươn lên niềm vui, niềm hy vọng nơi trái tim, sự suy nghĩ loé bật lên tư tưởng tìm nhận ra giải đáp cho cung cách sống khôn ngoan, bác ái chừng mực nơi trí khôn.
Dòng nước nguồn mạch sự sống đó là Đức Chúa Thánh Thần.
Mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Last modified on Dienstag, 31/05/2022