Hình ảnh được chúc phúc lành.
Con người chúng ta thường hay nói thật có phúc, khi người nào đó có được điều may mắn, sự thành công tích cực vui mừng trong đời sống. Và khi nói như vậy còn ẩn chứa ý nghĩ tâm linh là được Trời cao chúc phúc lành.
Chúa Giêsu Kitô đi rao giảng nước Thiên Chúa cho con người nói đến 09 lần phúc thay, nhưng lại không cho những ai gặp được điều vui mừng tích cực, điều may mắn thành công. Mà trái ngược lại.
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
–
Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.
–
Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.
–
Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả.
–
Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.
–
Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.
–
Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
–
Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
"
Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời". (Mt 5,1-12a).
Vậy những chúc phúc của Chúa Giêsu như vậy ẩn chứa hình ảnh gì?
Những lời chúc mừng Phúc thay của bài giảng Chúa Giêsu như trên với những lý do như vậy thật là khác thường. Nó làm người nghe không chỉ qúa đỗi ngạc nhiên, mà còn đến mức độ không sao hiểu nổi nữa. Vì xa lạ không theo lý luận trong thực tế đời sống.
Nhưng có phải Chúa Giêsu nói rao giảng chân lý xa lạ với thực tế đời sống, với suy nghĩ lý luận của xã hội đời sống con người không?
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người sinh sống giữa xã hội con người, tất nhiên Ngài đã nhìn thấy, nghe thấy cùng cảm nhận ra những thực trạng đời sống con người như thế nào. Chính Ngài và ai ai cũng đều mong muốn có cuộc sống êm đẹp bình an.
Nhưng thực tế lại khác.
Khi vừa mở mắt chào đời ở Bethlehem, như kinh thánh thuật lại, gia đình Chúa Giêsu đã phải sống cảnh di cư tỵ nạn từ nước Do Thái sang bên xứ xa lạ Ai Cập (Mt 2, 13-18). Vì nhà Vua Herode đi truy lùng tìm bắt hài nhi Giêsu, và giận cá chém thớt, ông sai giết luôn hết các trẻ em cùng tuổi với hài nhi Giêsu. Vua Herode như vậy đã làm điều tội phạm giết người gây thảm họa đau khổ cho biết bao gia đình, cho con người.
Đó là thực tế trong đời sống mà Chúa Giêsu đã chứng kiến trải qua ngay từ lúc ngài còn thơ bé. Và rồi trong suốt dọc đời sống xã hội nơi gia đình ngài sinh sống xưa kia ở Bethlehem, ở bên Ai Cập, ở Nazareth, ở Jerusalem cũng còn biết bao cảnh bất công xảy ra giữa con người với nhau…
Trong dòng lịch sử thời gian không gian xưa nay những bất công, lấn lướt chèn ép, đối xử thiếu bác ái tình người, chiến tranh, di cư tỵ nạn, bị khinh khi chê cười, bị bỏ rơi, phải sống cảnh nghèo túng đói khổ , bị hồ nghi giam hãm… luôn hằng diễn xảy ra. Những điều tiêu cực này gây ra những thảm họa đau khổ đe dọa con người làm đời sống mất bình an. Vì thế con người luôn cần đến sự an ủi nâng đỡ không chỉ về vật chất, nhưng hơn hết niềm hy vọng cho đời sống tinh thần.
Chúa Giêsu với sứ mạng mang đến cho con người trần gian sống trong thung lũng đầy nước mắt đau khổ niềm hy vọng được chúc phúc chữa lành an ủi vượt qua lằn ranh đời sống trên trần gian bước sang con đường đời sống mai ngày bên kia, sau khi đã qua đời.
Những người được chúc phúc như Chúa Gêsu nói đến, là những người trong cuộc sống trần gian đã không có cơ hội được sống trải qua đời sống tích cực may mắn và thành công. Họ là những người phải chịu đựng hoàn cảnh đời sống không có bình an hạnh phúc.
Mừng kính chung các Thánh Nữ Nam trên trời bên ngai Thiên Chúa, chúng ta nhớ đến tổ tiên Ông Bà cha mẹ, anh chị em bạn hữu của chúng ta. Đời sống của họ khi xưa trên trần gian không phải luôn luôn hạnh thông may mắn, niềm vui, nhưng chắc chắn đã phần nhiều phải sống chịu đựng đau khổ tủi hổ trong nước mắt..
Bài phúc âm Phúc thật của Chúa Giêsu trong ngày lễ mừng kính các Thánh 01.11. nói lên niềm hy vọng được chúc phúc được cứu độ bên Thiên Chúa không chỉ cho người còn sống mà cho cả những người đã qua đời.
Hình ảnh bài giảng Phúc thật trong một ý nghĩa tích cực như nói đến một thế giới xa lạ. Xa lạ với thế giới, vì người chịu đựng đau khổ sau cùng cảm nhận được niềm vui hạnh phúc.
Và bài giảng kinh thánh Phúc thay còn nói đến một thế giới xa lạ nữa: Nước Trời hay nước Thiên Chúa, nơi đó người đau khổ buồn sầu được an ủi có niềm vui hạnh phúc, người đói khát được no đủ, người nghèo túng có đời sống giầu có. Niềm hy vọng, niềm an ủi là hình ảnh trung tâm của hiến chương Nước Trời trong bài giảng “Phúc thay”, mà Chúa Giêsu rao giảng cho nhân loại vào mọi thời đại.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Last modified on Montag, 30/10/2023