Hình ảnh Con chiên Thiên Chúa

Hình ảnh Con chiên Thiên Chúa

Bên các xứ vùng Trung Đông, bên Âu châu ở những vùng đồi núi có bãi cỏ xanh tươi tốt, người ta nuôi thả đàn thú vật chiên cừu hàng chục, hàng trăm con to nhỏ chạy nhảy hiền hòa cúi đầu ăn gặm cỏ. Chúng đi thành đàn chen chúc nhau nghe theo hiệu lệnh của người mục đồng chăn dắt, và có những con chó chạy theo vòng quanh canh gác sủa vang trời lùa chúng đi theo hướng chỉ dẫn. Một bức tranh sống động thơ mộng giữa trời thiên nhiên!

Hình ảnh con chiên xưa nay trong văn hóa nghệ thuật Công giáo rất quen thuộc. Phải, nó là hình ảnh biểu tượng thần thánh nói chỉ về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Tại sao lại dùng hình ảnh biểu tượng này chỉ về Chúa Giêsu Kitô ?

Hình ảnh biểu tượng này có căn rễ nơi nền văn hóa đạo đức kinh thánh từ thời xa xưa. Con chiên là một con vật non trẻ của loài thú vật cừu hay thú vật dê. Con chiên có tư thái dịu hiền ngây thơ, nên được dùng là hình ảnh biểu tượng về sự thanh khiết và vô tội, hình ảnh về sự hiền dịu và kiên nhẫn.

Trong nhiều tôn gíao sự thanh khiết vô tội đóng vai trò quan trọng. Con chiên được chọn làm hình ảnh biểu tượng cho khía cạnh đó.

Trong Kinh Thánh thời cựu ước Do Thái giáo cũng vậy. Một con vật làm lễ tế hy sinh đền tội phải thanh khiết vô tội, mới có thể được dùng là lễ tế đền tội thay cho con người tội lỗi. (St 22,8).

Ngày xưa khi người Do Thái xuất hành từ đất Aicập lên đường trở về quê hương nước Thiên Chúa hứa ban, họ mừng Lễ Vượt Qua và trong bữa ăn phải có con chiên: „Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được“ (Xh 12,5).

Lễ tế dâng tiến Giavê Thiên Chúa theo luật ấn định„ Ngày sa-bát, các ngươi sẽ dâng hai con chiên một tuổi, toàn vẹn, cùng với chín lít tinh bột lúa miến nhào với dầu làm lễ phẩm, kèm theo rượu tế.“ (Ds 28, 9).

Ngay thời xa xưa trước Chúa giáng sinh, Tiên tri Isaia cũng đã mường tượng hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa sau này như con chiên bị đem đi xét xử đền tội thay cho toàn dân:

„Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,người chẳng hề mở miệng.“ (Isaia 53,7)

Đến thời sau Chúa giáng sinh, chính Chúa Giêsu được ca ví là hình ảnh con chiên Thiên Chúa. Thánh Gioan tẩy gỉa đã giới thiệu Chúa Giêsu:

„Ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.„ (Ga 1, 29).

Chính Chúa Giêsu đã bị kết án chết trong dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, lễ kỷ niệm giết chiên ăn bữa sau cùng trước khi người Do Thái xuất hành trở về quê hương đất nước Thiên Chúa hứa ban cho.

Thánh Phaolô Tông đồ đã nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô đã hy sinh chịu chết làm con chiên lễ Vượt Qua cho chúng ta. (1 cor, 5,7).

Thánh Gioan tông đồ đã gọi các Tông đồ Chúa Giêsu Kitô là Tông đồ của Con Chiên. (KH 21,14).

Trên trời, theo tường thuật của Thánh Gioan, các Thiên Thần Chúa ca hát chúc tụng Con Chiên vinh hiển. (Kh 5,12).

Rồi trong một thị kiến trên trời, Thánh Gioan đã nhìn thấy Con Chiên Thiên Chúa đứng ở giữa bốn con vật. ( Kh 5,6). Và Ông còn nhìn thấy Con Chiên nhận cuốn sách từ bốn con vật và có 24 vị bô lão phủ phục qùy xuống đồng thanh chúc tụng Con Chiên. (Kh 5,9).

Bốn con vật mà Thánh Gioan nhìn thấy trong thị kiến trên trời là hình ảnh biểu tượng của bốn thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu.

Thánh sử Mattheo với hình một con người. Vì ngay chương đầu phúc âm Ông viết thuật lại lịch sử gia phả Chúa Giêsu theo khía cạnh con người từ thời tổ phụ Abraham tới Vua David có 14 thế hệ, rồi từ Vua David tới thời lưu đầy sang Babylon với 14 đời, và từ sau thời lưu đầy trở về tới Chúa Giêsu cũng có 14 thế hệ.

Thánh Marcô với hình con sư tử. Vì phúc âm của ông ngay chương đầu tiên bắt đầu với lời rao giảng tiếng hô hào lời kêu trong sa mạc của Thánh Gioan tiền hô như tiếng sư tử gầm rống trong rừng hoang .

Thánh Luca với hình tượng một con vật như con bò, con dê. Vì phúc âm của Ông thuật lại biến cố Thầy cả thượng phẩm Dacharia vào đền thờ dâng con vật bị giết tế lễ Thiên Chúa. Và thánh sử cũng thuật lại biến cố quang cảnh hài nhi Giesu sinh ra trong chuồng súc vật chiên bò lừa ngoài cánh đồng Bethlehem.

Thánh Gioan với hình con chim đại bàng. Vì những tư tưởng hình ảnh trong phúc âm của Ông biểu lộ tinh thần cao cả, cao sâu diệu vợi như con chim đại bàng dũng mãnh có sức cất cánh bay cao lên tận nền trời mà con mắt thường không sao có thể nhìn thấy nó tít tận trên cao. Và từ trên cao nó bay lượn đáp xuống mặt đất rất kỳ diệu ngoạn mục.

Rồi hình ảnh bốn con vật cũng được hiểu cắt nghĩa là hình ảnh chỉ về sự nhập thể làm người của Chúa Giêsu, về lễ vật tế lễ, sự sống lại và lên trời trời của Chúa Giêsu.

Nhưng tại sao lại dùng con chiên là hình ảnh biểu tượng cho Chúa Giêsu, mà không một trong bốn con vật đó?

Tiên tri Isaia đã diễn tả hình ảnh về người tôi trung của Thiên Chúa như một con chiên. Hình ảnh con chiên được tuyển chọn chỉ về Thiên Chúa xuống trần gian làm người.

Con Chiên này không có quan hệ gì với bốn con vật đứng chung quanh phục vụ Con Chiên. Hình ảnh này làm tương phản với hình ảnh Đấng Cao cả tuyệt đối, làm nổi bật rõ nét giữa Đấng là chủ sự sáng tạo và loài thụ tạo trong các mối liên hệ.

Con Chiên được dùng là hình ảnh chỉ về Chúa Giêsu còn nói lên khía cạnh chính yếu nổi bật của một Thiên Chúa nhập thể làm người trên trần gian. Chúa Giêsu làm người không muốn là một vĩ nhân, một con người tuyệt đối, một nửa Thiên Chúa. Nhưng là một con người toàn vẹn với yếu đuối, như Thánh Phaolo viết trong thư gửi Giáo đoàn Corinthô: 


„Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;28 những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.“ (1 cor 1,26-28).

Trong Giáo hội xưa nay có tập tục dây Pallium của Đức giáo hoàng và các Tổng giám mục đeo choàng trên cổ xuống trước ngực khi cử hành thánh lễ, được dệt bện bằng lông các con chiên Agnes - các con chiên được làm phép ngày lễ kính thánh Agnes 21.01.

Dây Pallium bện dệt bằng lông con chiên như Đức giáo hoàng qúa cố Benedictô 16. cắt nghĩa: Nhắc nhớ đến Chúa Giêsu sau khi sống lại đã trao trách vụ cho Thánh Phero hãy chăn dắt các con chiên của Thầy. Và cũng là hình ảnh nói về ách gánh nặng của Chúa Giêsu Kitô mà các vị mục tử mang trên vai khi nhận lãnh ý muốn sứ vụ Chúa trao cho.

Trong các thánh lễ, trước khi tiếp nhận tấm bánh Thánh Thể Chúa Giesu Kitô, lời kinh cầu nguyện được toàn thể mọi người trong thánh đường cùng đọc lên hoặc hát ca xướng ba lần: „Lạy Chiên Thiên Chúa, đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con „

Và sau cùng vị chủ tế giơ cao Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô cũng đọc lời giới thiệu như Thánh Gioan tẩy gỉa ngày xưa đã nói: „Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.“

Trong văn hóa, văn minh nhân loại nhất là bên vùng Trung Đông, thịt Chiên, Cừu là thực phẩm phổ thông lành mạnh cùng ngon. Lông con Chiên Cừu được cắt xén dùng cho việc may mặc quần áo cùng làm chăn nệm cho ấm, nhất là ở xứ lạnh mùa Đông.

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long

 

Read 601 times

Last modified on Freitag, 12/01/2024

ĐỨC MẸ MARIA tước hiệu LAVANG
Bổn mạng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

https://hinhanh.ldcg.de/

 

« November 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30  

Chuyện Phiếm Đạo Đời

Vậy, xin thưa: thoạt khi lọt lòng mẹ, bần đạo được xếp hạng thứ mười hai trong gia đình nhỏ bé, các cụ tìm không ra cái tên nào hay đẹp hơn nữa, bèn đặt cho cái tên là Trần Ngọc Tá, rồi đi hỏi cha xứ Trịnh Như Khuê (lúc ấy làm linh mục chánh xứ Hàm Long, Hà Nội), rồi sẽ sửa đổi sau. Nhưng, cha xứ Hàm Long sau đó làm Giám Mục rồi Hồng Y, các cụ thân sinh ra bần đạo không còn dám quấy rầy cha/cố nữa. Quên đi mất. Để rồi thằng bé, khi di cư vào Nam, đến Nha Trang, quan chức cứ gọi tên lên mà hạch hỏi, thay vì gọi tay Trần ngọc Tá, cứ phiên âm thành Trần Ngọc “Té”, nghe như thằng bé bị té giếng không nghe tiếng gọi, mãi chẳng lên. Thôi thì, từ đó xin chọn tên này làm … quê hương. Dẫu khó thương. Và, đó là những tâm tình hơi khó thương, nhưng có thật, đấy ạ.

Và, đáp ứng câu của chị Đỗ Thị Thu Vân, cựu giáo chức ở Sài gòn, đã hỏi: tại sao các vấn đề người viết đưa ra, đều bỏ ngỏ, không giải đáp? Bần đạo tình thật thưa: mình rất tránh những tranh luận/cãi vã về lập trường thần học, rất thánh kinh. Phần này, xin nhường lời cho các đấng bậc cao siêu, đứng lớp. Riêng cá nhân, chỉ nhìn ra vấn đề trong sống Đạo, ở đời thường. Đã là tốt. Các giải đáp, cho vấn nạn đặt ra cho mỗi người, ở cuộc sống; hãy cứ để mọi người được kiếm tìm. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô rồi, sẽ có đáp số cho riêng mình, mà sống Đạo. Trong cuộc đời. Với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden

Lịch Mục Vụ

  

KyyeuLDCG

Để đánh dấu mừng kỷ niệm 40 năm Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, Liên Đoàn Công Giáo đã thực hiện một tập kỷ yếu ghi lại những sinh hoạt của LĐCGVN và tất cả hình ảnh của các Đại Hội Công Giáo kể từ ngày thành lập cho tới nay. Mọi chi tiết cần biết xin liên lạc Văn Phòng LĐCGVN

Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

2018 10 09 14 31 09

Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam được phát hành qua email 2 tuần một lần. Nếu muốn nhận trực tiếp bằng email, xin vui lòng gởi thư GHI DANH tại địa chỉ: giaosivietnam@gmail.com

LyTrungTin

Soạn Giả cuốn Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị và Tạp Chí Dân Văn không giữ bản quyền cuốn sách này, do đó tất cả mọi người vì nhu cầu viết tiếng Việt đều có thể in ấn cũng như sử dụng cuốn Tự Vị này, mong rằng đây là một đóng góp tích cực và nhỏ nhoi cho cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại.

- Download/tải Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị
- Download/tải Phụ bản

Khách truy cập

Hôm nay 153

Tổng cộng 14287875

Lên đầu trang