Hình ảnh Con Rồng trong văn hóa và trong Kinh Thánh

Hình ảnh Con Rồng trong văn hóa và trong Kinh Thánh

Theo Dương lịch năm mới có niên hiệu năm 2024 sau Chúa Giáng sinh. Nhưng theo Âm lịch năm mới có tên là Giáp Thìn. Ngày đầu năm mới âm lịch 01. tháng Giêng, Tết Nguyên Đán Giáp Thìn sẽ vào ngày 10.02.2024. 



Thìn – còn có tên gọi là Rồng - là tên của một con vật theo như truyền thuyết trong cổ tích thần thoại diễn tả xưa nay, có nhiều chân mình uốn khúc như con rắn, có cánh bay được, có đuôi dài, miệng phun nước và lửa ra xa, bộ dạng dữ tợn kinh dị. Nó là một con vật có hình dạng của nhiều con vật hợp lại giữa loài rắn rết, loài cá sấu, loài chim khủng long độc dữ thời xa xưa cách đây hàng triệu thế kỷ, loài thú dữ ăn thịt như cọp beo sư tử...



Con Rồng được nói diễn tả trong các truyện thần thoại cổ tích theo như suy nghĩ cùng lòng tin tưởng của dân gian nhiều hơn. Và theo đó ngày nay người ta với kỹ thuật dựng đóng phim làm con Rồng như là một con vật sống động có thật.



Bên vùng các nước Đông Nam châu Á với ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, cứ 12 năm lại mừng hay nhận con Rồng thần thọai này đứng làm chủ cho thời gian một năm. 



Hình ảnh con vật này là gì? Nó có liên quan gì tới đời sống con người, nhất là đời sống tinh thần không? 



Theo thần thoại bên Đông phương và Tây phương, con Rồng là hình ảnh của sự lộn xộn mất trật tự chao đảo, là hình ảnh của con quái vật thù địch với Thượng Đế và con người. Vì con vật này hút nước phun lửa cho khô cạn làm tê liệt sự sống phát triển, cùng đe dọa ăn nuốt trửng mặt trời và mặt trăng. Một vị anh hùng nào đó hay chỉ Thiên Chúa mới có thể trị thắng con vật này được.



Trái lại bên vùng Đông Nam châu Á, con Rồng tuy là con vật không có hình dạng rõ rệt, nhưng là con vật có những đặc điểm tốt tích cực. Con vật này mang đến điều may mắn, là hình ảnh dấu hiệu của sự sinh sản phát triển phì nhiêu, và là hình ảnh chỉ sức mạnh của vua chúa hoàng đế. 



Theo quan niệm thời cổ xưa, con Rồng tạo nên một hình ảnh ghê sợ rùng rợn, cùng là dấu hiệu của sự thống trị. Vì thế vua chúa thời xưa, hay thêu vẽ hình con rồng trên lá cờ, trên mũ áo khi đi đâu ra mắt công chúng, ăn mừng chiến thắng, hay khi ra quân đánh trận. Nhiều vua chúa thời xa xưa cũng cho thêu hay in vẽ trên huy hiệu hình con rồng như biểu dương sức mạnh oai hùng của mình.



Vào giai đoạn cao điểm thời Trung cổ chủ đề vượt trổi nổi bật là hình ảnh trình bày trận chiến chống con rồng, một biểu trưng chống sự dữ xấu xa tội lỗi, tội nguyên tổ. Vì con rồng là hình ảnh con rắn đã cám dỗ Bà Evà phạm tội chống lại Thiên Chúa gây ra hậu qủa tội nguyên tổ cho cả nhân loại. Hình ảnh vẽ về ngày tận thế cũng có cái hang động hỏa ngục nhốt con rồng vào trong đó. Con rồng là hình ảnh của thần qủy dữ.



Ngay ở bên vùng Đông Nam Châu Á cũng có nhiều hình dạng về con rồng tùy theo mầu sắc và số móng chân. Hình con rồng mầu vàng với năm móng chân chỉ dành để thêu trên áo mũ của vua chúa, như các vị vua thuộc triều đại nhà Minh bên Trung Hoa ngày xưa thường mặc.



Theo niềm tin Ấn giáo và Lão giáo con rồng biểu hiệu của bản thể tinh thần có thể biểu hiện sự trường sinh bất tử.



Bên Trung Hoa và Nhật bản, con Rồng mang đến điều may mắn hạnh phúc và được tôn thờ như chống lại qủy thần. Con Rồng biểu hiệu sự sinh sôi nẩy nở phát triển, mùa xuân và nước mưa. Nó có sức mạnh như dòng thác nước chảy, cùng được xếp vào nguyên lý Yang- một nguyên lý chỉ về tích cực, dương tính, nam tính, trong sáng, trời, sự họat động, đường thẳng kéo dài không bị đứt khúc – 



Theo văn hóa cùng tập tục với chút niềm tin dân gian, con Rồng trong âm lịch bên vùng Đông Nam Châu Á, là con vật biểu trưng đứng chủ trì một năm trong vòng chu kỳ 12 năm một lần. 



Cũng theo sự tin tưởng trong dân gian, năm con Rồng (Thìn) là một năm tốt cho sinh sản và cho lập gia đình.



Theo nhà phân tâm C. Jung trận chiến con Rồng trong các truyện thần thoại dân gian là hình ảnh sự chiến đấu tranh giành giữa bản thể cái tôi và sức lực hung hãn nằm tiềm ẩn trong mỗi người.



Hình ảnh con Rồng trong Kinh Thánh được trình bày với tính chất dữ tợn xấu xa, một con vật to lớn quái dị dưới nhiều dạng hình thù khác nhau. Nó là con vật gây đảo lộn mất trật tự, sát hại mạng sống con người và thù địch với Yaweh Thượng Đế

Ngôn Sứ Isaia diễn tả nó là một con vật bay được: “Hỡi toàn cõi Phi-li-tinh, chớ vội vui mừng, vì cây gậy đánh ngươi đã bị bẻ gãy; bởi chưng từ dòng dõi rắn sẽ vọt ra một con rắn hổ mang, và con của nó sẽ là một con rồng bay.” (Isaia 14,29)



Ngôn sứ Daniel đã thuật lại tập tục: “Bấy giờ có một con rồng lớn được dân Ba-by-lon sùng bái” (Daniel 14,23). Nhưng Daniel đã chứng minh ngược lại là con rồng không phải là thần thánh phải sùng bái. Ông đã giết chết con rồng này. (Daniel 14. 24-27).



Ngôn sứ Giêremia diễn tả ví vua Babylon như con rồng đầy sức mạnh tranh giành nuốt trôi tất cả: “Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, đã xâu xé, đã loại trừ tôi, gạt tôi ra như chiếc bình rỗng; tựa con rồng, nó đã nuốt trửng tôi,các miếng ngon của tôi, nó nhét đầy bụng, rồi xua đuổi tôi đi.” (Geremia 51,34)



Con Rồng như một con thuồng luồng sống ở dưới nước: ”Xin thức dậy, xin Ngài thức dậy đi, lạy Ðức Chúa, xin vung mạnh cánh tay của Ngài! Xin thức dậy như những thời trước, như những ngày xưa. Chẳng phải chính Ngài đã phanh thây thủy thần Ra-háp, đã xé xác thuồng luồng đó sao?” (Isaia 51,9)



“Chính Ngài đã ra oai xẻ đôi lòng biển,
trên làn nước biếc, Ngài đập vỡ sọ thuồng luồng;
chính Ngài đã nghiền nát bảy đầu con giao long,
vứt nó làm mồi cho thủy quái;” (Thánh vịnh 74, 13-14)

Con Rồng hiện hình như con rắn tinh quái bò chui luồn dưới đất: “Người thở hơi làm trong sáng bầu trời, và đưa tay xả thây con rắn chui nhủi” (Sách Ông Gióp 26,13)



Thánh Giaon Tông đồ trong sách Khải huyền đã ví con rồng như con mãng xà, con rắn thần dữ ma qủy ngày xưa đã đường mật dụ dỗ bà nguyên tổ Eva phạm tội lỗi luật Thiên Chúa. Con rồng rắn ma qủy này đã bị Tổng lãnh Thiên Thần Michael trong một trận giao chiến trên trời đè bẹp đuổi khỏi thiên đàng. 



“Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micaen và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. (8) Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không có chỗ trên trời nữa. (9) Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xatan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.” (Khải huyền 12, 7-9).



Dù bị tống xuống khỏi thiên đàng, con mãng xà là con rắn ma qủy hằng theo dõi dụ dỗ sát hại con người trong hình ảnh một người phụ nữ sinh con, và dòng dõi hậu duệ của bà từ bỏ sống xa Thiên Chúa. Hình ảnh này là hình ảnh Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội mình mặc áo xanh da trời, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao vàng sáng chói ánh mặt trời, chân đạp mặt trăng hình lưỡi liềm đạp trên đầu con rắn. 



“Khi Con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. (14) Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời và nửa thời, ở xa Con Rắn. (15) Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đàng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi. (16) Nhưng đất cứu giúp bà: đất há miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng Con Mãng Xà phun ra. (17) Con Mãng Xà nỗi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Ðức Giêsu.” (Khải huyền 12,13-17)



Trong nghệ thuật hình ảnh con rồng là thần qủy dữ Lucife bị Tổng lãnh ThiênThần Michael chiến thắng cầm đao kiếm đâm đứng đạp trên nó rất thịnh hành ở thời Trung cổ bên Âu châu.



Sau này có hình ảnh Thánh Georg chiến thắng cưỡi ngựa, tay cầm đao nhọn đâm đè bẹp con rồng ma qủy đang phun lửa nằm dưới mặt đất. 



Và Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội cũng được vẽ trình bày là người chiến thắng đứng đạp trên đầu con rồng rắn ma qủy cám dỗ phạm tội chống lại Thiên Chúa.



Nghệ thuật này dựa theo lời kinh thánh trong sách Khải huyền “ et proiectus est draco ille magnus serpens antiquus qui vocatur Diabolus et Satanas qui seduit universum orbem proiectus est in terram et angeli eius cum illo missi sunt- Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xatan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.”. (KH 12, 9).



Theo sự tin tưởng trong dân gian người nào sinh vào năm con Rồng (Thìn) có những đức tính tích cực như quảng đại, chân thành, óc sáng tạo biến báo, thích mạo hiểm, ngay thẳng… Nhưng ngược lại cũng có những đức tính tiêu cực như bồng bột không suy nghĩ chín chắn, quá lạc quan, hoang phí, ít thiếu mềm dẻo… Đây chỉ là suy đoán theo cảm tính tin tưởng bình dân hay theo tập tục tử vi bói toán đoán vận mạng xưa nay trong dân gian thôi.



Với người Công giáo năm tháng ngày giờ do Thiên Chúa tạo dựng nên. Trong dòng thời gian năm tháng ngày giờ nào cũng có những lúc may mắn hạnh thông xuôi chẩy, và những thách đố thử thách, những thử luyện mà con người phải sống trải qua. 



Những thách đố thử thách không là những bước gây hoang mang đổ vỡ chao đảo. Nhưng trái lại giúp tinh thần con người sống vững chắc có thêm kinh nghiệm trưởng thành hơn vào ngày mai.



“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, 
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Thánh vịnh 90 ,12)



Chúc mừng Năm Mới Giáp Thìn


Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long 
 

Read 1750 times

Last modified on Donnerstag, 08/02/2024

ĐỨC MẸ MARIA tước hiệu LAVANG
Bổn mạng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

https://hinhanh.ldcg.de/

 

« December 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          

Chuyện Phiếm Đạo Đời

Vậy, xin thưa: thoạt khi lọt lòng mẹ, bần đạo được xếp hạng thứ mười hai trong gia đình nhỏ bé, các cụ tìm không ra cái tên nào hay đẹp hơn nữa, bèn đặt cho cái tên là Trần Ngọc Tá, rồi đi hỏi cha xứ Trịnh Như Khuê (lúc ấy làm linh mục chánh xứ Hàm Long, Hà Nội), rồi sẽ sửa đổi sau. Nhưng, cha xứ Hàm Long sau đó làm Giám Mục rồi Hồng Y, các cụ thân sinh ra bần đạo không còn dám quấy rầy cha/cố nữa. Quên đi mất. Để rồi thằng bé, khi di cư vào Nam, đến Nha Trang, quan chức cứ gọi tên lên mà hạch hỏi, thay vì gọi tay Trần ngọc Tá, cứ phiên âm thành Trần Ngọc “Té”, nghe như thằng bé bị té giếng không nghe tiếng gọi, mãi chẳng lên. Thôi thì, từ đó xin chọn tên này làm … quê hương. Dẫu khó thương. Và, đó là những tâm tình hơi khó thương, nhưng có thật, đấy ạ.

Và, đáp ứng câu của chị Đỗ Thị Thu Vân, cựu giáo chức ở Sài gòn, đã hỏi: tại sao các vấn đề người viết đưa ra, đều bỏ ngỏ, không giải đáp? Bần đạo tình thật thưa: mình rất tránh những tranh luận/cãi vã về lập trường thần học, rất thánh kinh. Phần này, xin nhường lời cho các đấng bậc cao siêu, đứng lớp. Riêng cá nhân, chỉ nhìn ra vấn đề trong sống Đạo, ở đời thường. Đã là tốt. Các giải đáp, cho vấn nạn đặt ra cho mỗi người, ở cuộc sống; hãy cứ để mọi người được kiếm tìm. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô rồi, sẽ có đáp số cho riêng mình, mà sống Đạo. Trong cuộc đời. Với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden

Lịch Mục Vụ

  

KyyeuLDCG

Để đánh dấu mừng kỷ niệm 40 năm Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, Liên Đoàn Công Giáo đã thực hiện một tập kỷ yếu ghi lại những sinh hoạt của LĐCGVN và tất cả hình ảnh của các Đại Hội Công Giáo kể từ ngày thành lập cho tới nay. Mọi chi tiết cần biết xin liên lạc Văn Phòng LĐCGVN

Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

2018 10 09 14 31 09

Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam được phát hành qua email 2 tuần một lần. Nếu muốn nhận trực tiếp bằng email, xin vui lòng gởi thư GHI DANH tại địa chỉ: giaosivietnam@gmail.com

LyTrungTin

Soạn Giả cuốn Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị và Tạp Chí Dân Văn không giữ bản quyền cuốn sách này, do đó tất cả mọi người vì nhu cầu viết tiếng Việt đều có thể in ấn cũng như sử dụng cuốn Tự Vị này, mong rằng đây là một đóng góp tích cực và nhỏ nhoi cho cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại.

- Download/tải Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị
- Download/tải Phụ bản

Khách truy cập

Hôm nay 99

Tổng cộng 14300425

Lên đầu trang