Mùa Vọng (anh chị em hãy sẵn sàng)
Cách nay mấy tuần lễ, vào khoảng đầu tháng 11, các cửa hàng buôn bán, các siêu thị đã trưng bày đủ thứ hoa nến, cây thông và các đồ trang hoàng cho Lễ Giáng Sinh thật là rực rỡ, huy hoàng, xã hội ngày nay hầu như bị xoáy vào vòng hưởng thụ. Vào những ngày trước Lễ Giáng Sinh, ai ai cũng chuẩn bị mua sắm quà tặng cho người mình muốn tặng hoặc có khi phải tặng! Người ta lo lắng phải mua sắm những gì, lo lắng phải kiếm đủ tiền để có thể mua sắm những món quà quý giá để tặng cho người mình yêu thương, để biếu người mình quý trọng.
Hôm nay, Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, cũng là Chúa nhật bắt đầu năm Phụng Vụ mới (còn được gọi là năm Phụng Vụ A, năm Thánh Matthêu. Trong năm A, Giáo hội trích hầu hết các bài Tin Mừng cho niên lịch Phụng Vụ do Thánh Matthêu trình thuật)
Mùa Vọng (Adventzeit), là Mùa trông chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, vì nguyên tổ của loài người đã nghe lời cám dỗ của Satan (ma quỉ) và đã phạm tội. Chính vì tội kiêu ngạo muốn ngang hàng với Thiên Chúa, nên ông bà nguyên tổ loài người đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và từ đây tội lỗi và sự chết đã thống trị loài người. Nhưng vì yêu thương nhân loại đã được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài, nên Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu xuống thế để cứu độ và giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết.
Chúa Giêsu đã đến chuộc tội lỗi của nhân loại bằng chính mạng sống của Ngài. Và ơn tha tội đã được ban cho loài người hơn 2.000 năm rồi. Chúa Giêsu đến để thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa Cha, hầu đưa tất cả chúng sinh về hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa trên Nước Thiên Đàng, nơi mà Chúa Cha đã dọn sẵn cho những ai tin, kính mến và trông cậy nơi NGƯỜI.
Mùa Vọng của nhân loại ngày hôm nay là: trước hết dọn mình cho ngay thẳng để xứng đáng mừng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh, ngày nhân loại được đón nhận ơn lành, ơn tha tội, như ca đoàn thiên thần đã xướng lên: „Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.“ (Lc 2,14)
Trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, Ơn tha tội được ban cho tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc, bất luận họ là ai. Lời Kinh Thánh nói rõ cho chúng ta biết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.“ (Ga 3,16-18)
Ý nghĩa thứ hai của Mùa Vọng là Mùa trông chờ Chúa Giêsu quang lâm, trông chờ Chúa đến lần thứ hai. Trong lúc người người lo bôn ba tìm kiếm nhiều lợi nhuận, lo sắm sửa và hưởng thụ, thì Chúa Giêsu nói với mọi người chúng ta trong ngày đầu năm Phụng Vụ: Phải chuẩn bị để đón ngày quang lâm của Chúa, đón ngày Chúa Giêsu lại đến, Người đến gọi tên từng người một, để đưa những ai đã sống với tâm hồn hiền lành, ngay thẳng, tin kính và trông cậy vào Chúa Giêsu về hưởng hạnh phúc của Chúa Cha trên Thiên đàng.
Lời Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: „Chúa Giêsu đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.“ (Hr 9,26b-28)
Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng hôm nay, Thánh Mát-thêu trình thuật rằng:
„Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.“ (Mt 24,37-44)
Chúa Giêsu dạy: „Anh chị em hãy sẵn sàng“. Chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng để khi Chúa đến gọi chúng ta ra khỏi thế gian này, chúng ta hân hoan thưa với Chúa: "Lạy Chúa, dạ con đây!" mà không phải nuối tiếc và than van: „Giá biết vậy! Bây giờ còn làm gì được nữa!?"
Chúa nói khi Ngài quang lâm: „Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.“
Tại sao Chúa lại dùng hình ảnh hai người đàn ông đang làm ruộng và hai người đàn bà đang kéo cối xay? Đây có phải là hình ảnh Chúa muốn nói về gia đình? Từ thuở ban đầu Thiên Chúa tạo dựng loài người, và Thiên Chúa đã liên kết ông bà nguyên tổ nên một gia đình, để gia đình trở nên nền tảng của xã hội loài người. Và để có một xã hội lành mạnh, nhất thiết vợ chồng phải sống trong tình yêu như nguyên tổ Adam đã reo lên „đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi“ khi Thiên Chúa tạo dựng bà Eva cho ông.
Theo lẽ thường, người đàn ông (chồng) vì yêu thương gia đình, không ngại bỏ công sức làm lụng, tận tụy lo cho vợ cho con có được mái nhà che đầu, có được cơm no áo ấm.
Người đàn bà (vợ) vì yêu thương chồng và con cái, không quản ngại lo công việc xay gạo, chu toàn công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, dạy dỗ con cái nết na đạo đức, để cha mẹ, con cái luôn hòa thuận yêu thương nhau. Đây là ý muốn của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu
Như vậy, hai người đàn ông đang làm ruộng: nghĩa là hai người cùng làm một công việc như nhau, cũng như hai người đàn bà đang kéo cối xay, họ cũng đang làm một công việc giống nhau. Thế mà một người được đem đi, người kia bị bỏ lại.
Được đem đi và bị bỏ lại là hai tình trạng đối nghịch nhau:
Được: có nghĩa là sự thưởng công, vì người được giao công việc đã chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình một cách tốt đẹp trong tình yêu thương.
Bị: có nghĩa là bị phạt, vì người này cũng làm một công việc giống người kia, nhưng biếng nhác, không tận tụy trong công việc để chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình.
Bổn phận và trách nhiệm không có nghĩa chỉ là vợ hoặc chồng. Nhưng bổn phận và trách nhiệm của một con người, trước hết là làm con, làm anh làm chị, làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ, làm ông làm bà; và còn biết bao nhiêu bổn phận và trách nhiệm mà mỗi người cần phải đóng góp để cùng xây dựng một xã hội lành mạnh. Tất cả phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm trong tình yêu thương.
Thánh nữ Têrêsa Calcutta, thiên thần của những anh chị em bé mọn nghèo khó, đã khẳng định rằng: „Quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi.“
Trong công việc hằng ngày của gia đình, của tập thể, của giáo hội, của xã hội…, nếu ai không làm việc với tâm tình nhiệt huyết, tâm tình yêu mến và hết lòng phục vụ để chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình, thì người ấy sẽ bị bỏ lại.
Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội của Chúa đang chuẩn bị mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh; đồng thời cũng chuẩn bị đón Chúa quang lâm đến với mỗi cá nhân chúng con. Xin Chúa đến sưởi ấm linh hồn chúng con, để chúng con không bị bóng tối của sự dữ ru ngủ, nhưng nhờ Tình Yêu ấm áp của Chúa, con luôn tỉnh thức để đón mời Chúa đến với con, với gia đình con, với cộng đoàn con. Amen.
Chúa nhật I Mùa Vọng 27.11.2022
Giuse Bùi Văn Toàn, FD (Gia đình con cái của Chúa)