Hình ảnh ngôi mộ trống
Ở các nghĩa trang, các ngôi mộ của người đã qua đời tuỳ theo nếp sống văn hóa, phần trên mặt đất thường được xây phủ kín bằng xi mang Bêtông hay lát đá kín và có tấm bia ghi khắc tên tuổi nơi sinh, nơi cùng ngày qua đời của người qua đời nằm trong nấm mồ sâu dưới lòng đất.
Nấm mồ người qua đời là ngôi nhà trạm cuối cùng của đời sống họ cư ngự vĩnh viễn cho tới nghìn thu. Vì thế ngôi nhà trạm cuối cùng của họ được xây kín vững chắc để người bên trên, bên ngoài không thể chui vào trong mồ mả được, mà làm việc đen tối với thân xác người qua đời nằm yên nghỉ trong đó.
Và thân nhân người qua đời những khi có cơ hội thường đi ra thăm viếng quyét dọn chưng hoa đèn cho ngôi nhà trạm cuối cùng của họ, để tỏ tấm lòng biết ơn buồn thương nhớ tiếc cùng kính trọng người thân yêu, ngày xưa đã cùng chung sống làm ơn cho nhau, cùng sống trải qua với bao ân tình kỷ niệm.
Theo kinh thánh phúc âm thuật lại (Mc 16,1-8) có ngôi mộ trống, dù trước đó thân xác người qua đời đã được an táng với băng vải quấn phủ kín, lối cửa huyệt mộ theo nếp sống văn hóa Do Thái có phiến đá to nặng che kín lối ra vào. Yên trí thân xác người đã qua đời an táng vẫn nằm yên nghỉ trong đó, nhưng sự việc lại xảy ra khác, không như những người đến thăm viếng ngôi mộ đó tin tưởng:
“Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. 2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. 3 Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” 4 Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. 5 Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. 6 Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! 7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” 8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.”
Ngôi mộ chôn Chúa Giesu trở thành ngôi mộ trống không còn xác Chúa Giesu nữa, mà trước đây ba ngày họ đã an táng Ngài nơi đó, như lời Thiên Thần nói: Ngài đã chỗi dậy rồi không còn đây nữa!
Như vậy hình ảnh ngôi mộ trống không còn xác Chúa Giesu trong đó nữa có đủ sức cùng bằng chứng thuyết phục những người tin theo Chúa Jesus Kito tin rằng Chúa Giesu Kito đã sống lại, như xưa nay Giáo hội chúng ta hằng loan báo tin mừng Halleluia Chúa đã sống lại rồi?
Chỉ nguyên hình ảnh ngôi mộ trống không còn xác Chúa Giesu không đủ thuyết phục tin vào mầu nhiệm Chúa Giesu đã sống lại. Chính Chúa Giesu phục sinh đã nhiều lần phải hiện ra gặp gỡ các Môn đệ của mình cho tới khi họ có thể tin Chúa Giesu Kito, Thầy mình, đã sống lại thật rồi. Và Thánh tông đồ Phero đã xác tín sự thay đổi nơi lòng tin của ông: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy và cho Người xuất hiện tỏ tường.” (Công vụ Tông đồ 10,40). Ngài đã gặp gỡ chúng tôi, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy Người và đã cùng ăn uống với Người. Người đầu tiên gặp gỡ Chúa Giesu phục sinh là Maria Magdalena ngay nơi ngôi mộ trống, rồi đến các chính Môn đệ Chúa Giesu là những nhân chứng cho sự phục sinh sống lại của Chúa Giesu Kito. Họ có sứ vụ đi loan tin ra toàn thế giới tin mừng quá lạ lùng không thể tưởng tượng nổi cho tâm trí con người.
Ngày nay nơi ngôi mộ chôn Chúa Giesu Kito ở đồi Golgotha bên thành Jerusalem từ thế kỷ 4. Sau Chúa giáng sinh một ngôi đền thờ Mộ Chúa được xây dựng to lớn vững chắc. Ngôi đền thờ mộ Chúa Giesu này có sáu tôn giáo Kito giáo: Chính Thống giáo Hylạp, Công giáo, Chính thống giáo Armenia, Chính Thống giáo Syria, Chính Thống giáo Kop Ai Cập, Chính thống giáo Aethiopia đều có phần chỗ cùng đồng quản trị sử dụng, mỗi tôn giáo có nhà nguyện bàn thờ riêng của mình trong ngôi đền thờ Mộ Chúa, mà họ đã thỏa thuận chia với nhau.
Không chỉ các tôn giáo Kito giáo cùng có phần tham dự nơi thánh địa ngôi đền thờ Mộ Chúa, mà cả Hồi Giáo cũng góp phần tham gia nữa. Từ thế kỷ 12. hai gia đình người Hồi giáo được tín nhiệm trao cho việc giữ chìa khoá cửa chính đền thờ. Chỉ người hai gia đình này được giữ chiếc chìa khóa này, và hằng ngày vào mỗi sáng lúc 05.00 giờ đến mở khóa cửa ra vào, và chiều tối lúc 21.00 giờ đến đóng khóa cửa lại. Rồi mang chiếc chìa khóa “thánh” đó về nhà cất giữ, không được trao lại cho bất cứ ai khác. Vì đã có luật lệ của khế ước đạo đời thỏa thuận ấn định như thế.
Năm 1853 các bên Tôn giáo lo giữ việc quản trị đền thờ đã làm ra bản khế ước có tên Status quo, cái gì trong ngoài đền thờ, sau khi ký kết thỏa ước, đang ở đâu thì phải để giữ nguyên ở chỗ đó, và khi có sự gì cần thay đổi sửa chữa trong ngoài đền thờ, các bên liên hệ phải họp nhau lại cùng thỏa thuận chung mới được thi hành. Vụ việc xảy ra là sau khi ký thỏa ước Status quo mới khám phá ra trên tường phía mặt tiền bên ngoài đền thờ còn chiếc thang đang ở trên đó. Biết thế nhưng không ai được leo lên gỡ đem xuống, và các bên ký kết thỏa ước Status quo cũng không bàn họp để gỡ nó đem xuống. Thành ra cho tới bây giờ chiếc thang “lịch sử “ vẫn còn đó như nhân chứng của thỏa ước Status quo, và bên trong đền thờ cũng còn một vài cây cột bằng đá nằm ngổng ngang dưới nền nhà.
Vì ngôi đền thờ chung của sáu tôn giao cùng đồng thời quản trị sử dụng, rồi mỗi tôn giáo trang trí phần chỗ góc tôn thờ của mình theo ý riêng của đạo mình, nên không có sự hài hòa với nhau về nghệ thuật trang trí. Vì thế bầu khí đền thờ trở nên sặc sỡ nhiều màu mè, không có thứ tự hài hòa, và còn đen tối tăm u ám nữa, vì khói của đèn nến tỏa ra bám vào cột tường vách trần nhà. Ngôi mộ thánh, nơi diễn xảy ra biến cố phục sinh sống lại của Chúa Giesu, là nơi cực thánh của Kito giáo, một nhà nguyện nhỏ với hai ngăn phòng như văn hóa Do Thái về việc xây dựng mộ huyệt, ngăn phòng bên trong có tấm phiến đá Cẩm thạch là phần mộ nơi Chúa Giesu đã nằm và đã chỗi dậy sống lại. Năm 1927 một trận động đất đã xảy ra khiến cho ngôi đền thờ bị hư hại nhiều. Nhưng may nhờ có khung dây sắt chằng tấm phiến đá cẩm thạch đó, nên tấm phiến đá thánh mộ Chúa Jesus không bị tan vỡ ra nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
Điều này có thể là dấu chỉ về đức tin vào sự phục sinh của người tín hữu Kito giáo trong thời đại ngày hôm nay. Có người suy nghĩ cho rằng đức tin vào sự phục sinh sống lại từ cõi chết của Chúa Giesu cũng có chiều hướng bị thử thách hồ nghi đặt thành thắc mắc như ngôi nhà nguyện mộ Chúa ở Jerusalem một thời do động đất làm rung chuyển gây ra cảnh đổ nát, rồi sau đó phải xây dựng lại.
Ngày nay không chỉ những người không tin vào Thiên Chúa đã đành, nhưng có cả những tín hữu Chúa Kito, nhất là ở bên xã hội văn minh Tây phương, số người hồ nghi hay không tin vào sự phục sinh sống lại của Chúa Giesu ngày càng tăng thêm lên, như kết quả của những khảo sát điều tra thẩm vấn cho biết.
Nếu đức tin Kito giáo mà không có sự phục sinh sống lại của Chúa Giesu Kito thì, như Thánh Phaolo xác tín, trở thành trống rỗng.
Không có sự phục sinh sống lại của Chúa Giesu Kito, đức tin ít hay thiếu nội dung và chỉ còn là một chút lễ hội mừng mùa Xuân. Không có sự phục sinh sống lại của Chúa Giesu Kito, không có sức năng động của niềm hy vọng phát xuất đến từ sự phục sinh sống lại, sẽ không thành công trong việc thay đổi đời sống con người trên địa cầu.
Ngôi mộ chôn Chúa Giesu Kito thành ngôi mộ trống, vì Ngài đã chỗi dậy sống lại rồi. Từ xưa nay hằng ngày biết bao nhiêu đoàn người hành hương khắp nơi trên thế giới lũ lượt đến kính viếng ngôi mộ thánh trống ở Jerusalem vừa thực hành hâm nóng đức tin của mình cho sống động, và cũng vừa là dịp thực hành tình liên đới bác ái với người dân cùng Giáo Hội Chúa Giesu Kito bên đất thánh Bethlehem, Jerusalem có phương tiện tài chánh để sinh sống.
Ngôi mộ thánh của Chúa Giesu ở trong đền thờ ngôi mộ bên Jerusalem là ngôi mộ trống không có xác Chúa Giesu nữa. Nhưng thân thể con người là đền thờ của Chúa có Thần Linh Chúa, Đấng là nguồn sự sống, nguồn tình yêu thương luôn hằng cùng đồng hành với trên đường lữ hành trần gian hôm nay cùng ngày mai sau.
Mừng lễ Chúa Kito phục sinh 2024
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Last modified on Samstag, 30/03/2024